Kỳ 10: Đọc sách, tôi thấy mình còn may mắn...
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCái giá phải trả của hành vi tội lỗi
Phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng, SN 1984, trú tại Bạch Đằng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đang thụ án Chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trại giam Tân Lập. Nước da trắng, dáng đậm đà, phốp pháp của Hằng vẫn không lẫn vào đâu được. Phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng bảo rằng, tất cả cũng vì tham mà ra nông nỗi này.
Theo tài liệu điều tra, sau khi tốt nghiệp ĐH, Hằng về Quảng Ninh sinh sống và trở thành đại lý bảo hiểm của Prudential từ năm 2009, đến năm 2011 thì bị đình chỉ tư cách đại lý bảo hiểm do bị phát hiện trong số những hợp đồng bảo hiểm do Hằng tư vấn có hồ sơ giả. Mặc dù một số hợp đồng là giả mạo nhưng vẫn có một số phiếu thu tiền thật. Tổng số tiền mà Hằng và ê kíp của chị ta đã chiếm dụng là 230 tỷ đồng.
Bài viết của phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng được Ban giám thị trại giam đánh giá cao, có tính tuyên truyền, giáo dục |
Theo lời Hằng thì sau khi có tiền từ những hợp đồng của khách hàng, Hằng đã mang tiền của khách hàng đầu tư vào bất động sản. Cứ nghĩ chỉ lướt sóng trong một thời gian ngắn rồi rút tiền ra hoàn tất hồ sơ cho khách hàng mua bảo hiểm, Hằng đâu nghĩ rằng việc buôn bán nhà đất đâu có đơn giản như mua mớ rau, sáng mua chiều bán. Nhất là thời điểm đó giá nhà đất lên xuống thất thường và kết quả là Hằng càng đầu tư càng khó thu hồi vốn. Đến khi bị Cty phát hiện, cô mới vội vã bỏ trốn khỏi nơi sinh sống. Thế nhưng, những ngày sống chui, sống lủi ấy chẳng được bao lâu, Hằng đã nhanh chóng bị bắt. Ngày bị bắt, Hằng đang là người phụ nữ 26-27 tuổi xuân, nhìn cuộc đời với biết bao khát vọng nhưng ước mong kiếm thật nhiều tiền khi cầm nắm trong tay hàng tỷ đồng của khách đã khiến cô tự đánh mất mình. Hằng thừa nhận cô đã rất giỏi trong việc lôi kéo khách hàng đến với mình và ở cái tuổi còn rất trẻ đó, với dòng tiền hàng trăm tỷ đồng qua tay, không phải ai cũng làm được như Hằng. Thế nhưng không phải ai dùng tiền của người khác vào việc làm bất chính đều cũng thành công cả và Hằng nằm trong số đó.
Đối diện với bản án Chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng bảo rằng, trời đất như sụp đổ với cô. Về trại giam Tân Lập thi hành án, Hằng cải tạo lao động ở đội đính cườm. Đã rất nhiều đêm Hằng không ngủ, ân hận vì tội lỗi mình gây ra. "Con đã đánh mất tất cả tương lai, hạnh phúc, gia đình, sự nghiệp... Giờ đây còn phải trả giá bằng bản án dài bằng cả cuộc đời trong trại giam... Hơn tất cả, con phải sống trong cảm giác day dứt khôn nguôi về những lỗi lầm của mình”, Hằng đã viết như thế trong lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình.
Đọc sách cho tôi thấy mình còn may mắn...
Và rồi, trong chính những dằn vặt ấy, phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng đã tìm được đến sách như một người bạn. Trong cuộc thi viết cảm nhận về sách, phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng bảo rằng mình đã đọc và cảm nhận về cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc. Hàng trăm lá thư cùng cuốn nhật ký dày 240 trang viết tay của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc được Nhà xuất bản Thanh Niên in thành cuốn sách "Mãi mãi tuổi hai mươi”. Đọc và cảm nhận về cuốn sách, phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng thấy nhiều đoạn, tác giả như muốn viết cho chính Hằng vậy.
Trong đó, Hằng viết: “Suốt chặng đường hành quân, dù phải đi xa, đeo nặng trong thời tiết khắc nghiệt nhưng tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thức khua, dậy sớm, Nguyễn Văn Thạc đã luôn coi nhật ký là người bạn tốt bụng để đưa đường cho anh, có rất nhiều chuyện vui và cũng có cả chuyện buồn. Trong một trang sổ tay, tôi đã tìm thấy giống như anh viết những dòng này dành riêng cho tôi. Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trong cuộc đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực luôn hun cháy trong lòng mình, đó mới là điều quan trọng. Gần chục năm qua, đã có những lúc trong lòng tôi chỉ toàn những muộn phiền và thất vọng. Tôi nghĩ rằng mình chỉ còn tồn tại chứ không hề có ý thức rằng mình đang sống. Hôm nay, khi đọc lại những dòng này, tôi như được đánh thức sau một giấc ngủ dài. Đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc đã đem lại cho tôi nghị lực sống mãnh liệt để tôi có thể tiếp tục vượt qua những giới hạn của bản thân để mong sớm có ngày được trở về thực hiện nốt những ước mơ còn dang dở của bản thân...”.
Phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng bảo rằng: Đọc nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, tôi thấy được, ngay khi trước lúc hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, ta vẫn cảm nhận được sức mạnh tinh thần ở anh. Anh nói: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi... Chỉ tiếc là không chiến đấu được nữa... bao dự định còn dang dở...”. Tôi và những phạm nhân khác khi đọc những dòng này chắc chắn đều cảm thấy mình còn may mắn vì vẫn còn cơ hội để tiếp tục thực hiện những điều còn dang dở. Còn liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và bao đồng đội của anh đã không có cơ hội, bởi họ đã nhường lại sự quý giá đó cho chúng tôi.
“Khép lại những trang sách cuối cùng, tôi ao ước có một ngày tôi được trở về xã hội, được tự do và tôi được đến nghĩa trang, để viếng mộ anh một lần. Bởi đọc và cảm nhận nhật ký của anh, đã giúp tôi sống lại quãng thời gian tuổi hai mươi tươi đẹp, sôi nổi và đem lại nghị lực ấy trong suốt quãng đường cải tạo của mình...” phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng tâm sự.
“Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến Ban giám thị, Hội đồng cán bộ trại giam Tân lập đã phát động cuộc thi Cảm nhận về sách dành cho phạm nhân chúng tôi. Qua đó, chúng tôi được định hướng về văn hóa đọc và hiểu được giá trị của sách và việc đọc sách. Đây là một hoạt động vô cùng thiết thực và bổ ích giúp chúng tôi có thể tự trau dồi kiến thức và tu dưỡng nhân cách tâm hồn mình. Cùng với việc Ban giám thị thành lập thư viện dành cho phạm nhân, tôi mong muốn mình và các chị em phạm nhân khác sẽ luôn nâng cao ý thức đọc sách và xây dựng thư viện ngày càng nhiều đầu sách hơn. Và càng ngày càng nhiều phạm nhân biết yêu thích việc đọc sách, coi sách là một phần quan trọng trong quá trình cải tạo của mình...”, phạm nhân Bùi Thị Thu Hằng viết. Bài viết của phạm nhân Hằng cũng là một trong nhiều bài viết có số điểm cao và được Ban giám thị trại giam đánh giá tốt, có tính tuyên truyền, giáo dục trong môi trường trại giam cao...
(Còn nữa)
Kỳ 9: Tôi đã tìm được những bài học mới từ những cuốn sách cũ Đó là tâm sự của phạm nhân Đinh Thị Bích Thủy, SN 1980 trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ). Sau ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại