Kỳ 1: tạo đột phá trong thực thi chính sách và hành lang pháp lý triển khai Đề án 06
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân tra cứu thông tin trên Cổng dịch vụ công thành phố Hà Nội tại Bộ phận Một cửa của UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Mộc Miên |
LTS: Thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, người dân bước đầu thụ hưởng các kết quả, lợi ích thiết thực của chuyển đổi số. Trong đó, người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước giảm được thời gian và chi phí trong thực hiện các yêu cầu thủ tục hành chính, dịch vụ công và các tiện ích xã hội; giảm nhân lực thực hiện; giảm thủ tục hành chính. Cùng với đó, thành quả từ chuyển đổi số tại Hà Nội giúp tăng chất lượng phục vụ người dân từ các cơ quan, đơn vị; tăng công khai - minh bạch trong quản lý thu chi; tăng sự hài lòng của người dân đối với cơ quan Nhà nước. Vậy, những giải pháp, ứng dụng nào đã được triển khai mang lại lợi ích thiết thực cho người dân?, mời quý độc giả đón đọc loạt bài “Chuyển đổi số tại Hà Nội mang lại nhiều tiện ích cho người dân” với các bài viết: tạo đột phá trong thực thi chính sách và hành lang pháp lý triển khai Đề án 06; Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp; Thuận tiện cho người dân với phương án “ủy quyền giải quyết TTHC”; Hiệu quả triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và thu thuế khoán; Lợi ích của sổ sức khoẻ điện tử đối với chăm sóc sức khoẻ Nhân dân; Không còn "chặt chém" giá cả khi Hà Nội ứng dụng thu phí giữ xe không dùng tiền mặt; Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt mang lại sự thuận tiện cho người dân; Cơ hội để Hà Nội có thể “đi tắt đón đầu” trong mục tiêu chung phát tiển Thủ đô...
Mời quý độc giả đến với Kỳ 1: tạo đột phá trong thực thi chính sách và hành lang pháp lý triển khai Đề án 06
Nhất quán quan điểm chỉ đạo “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt”, quyết liệt thực hiện hiệu quả công tác truyền thông cơ sở, việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia bước đầu đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.
Tiên phong chuyển đổi số
Tháng 3/2022, Hà Nội là địa phương đầu tiên lựa chọn thí điểm thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (gọi tắt là Đề án 06). Chưa từng có tiền lệ, nhưng bằng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy Hà Nội, UBND TP Hà Nội và Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) triển khai 2 Nghị quyết của HĐND TP, 1 Công điện, 4 Quyết định của UBND TP, 6 Kế hoạch và hơn 120 văn bản về hỗ trợ, triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
Năm 2023, Hà Nội là địa phương đầu tiên tham mưu trình HĐND TP ban hành 2 Nghị quyết về đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính theo hướng ưu đãi khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đồng thời hỗ trợ người dân tích cực tham gia, sử dụng các tiện ích từ cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư chuyển biến các ứng dụng vào đời sống và gắn kết với nhu cầu người dân.
Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP quy định “mức thu bằng không” khi công dân thực hiện 82 TTHC qua dịch vụ công trực tuyến; 82 TTHC có quy định mức thu phí này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP và thời hạn thực hiện đến hết ngày 31/12/2025 với mức thu ngân sách dự kiến khoảng 37 tỷ đồng/năm. Đây được đánh giá là sự quyết tâm của TP khi có bước chuẩn bị ban đầu cho việc khuyến khích người dân trực tiếp tham gia vào Đề án 06.
Tại Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 15/5/2024 quy định hỗ trợ 100% phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp (LLTP) cho người dân khi có đề nghị cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 1/6/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Với chính sách ưu đãi đặc thù, người dân bày tỏ niềm vui khi thực hiện các thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện. Chỉ một nút chạm trên smartphone đã thực hiện được các thủ tục giấy tờ 24/24h trong ngày.
Với quyết tâm của TP Hà Nội trong việc lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, đồng thời tạo bước tiến quan trọng trong xây dựng và phát triển công dân số, xã hội số, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 28/6, Hà Nội công bố vận hành một số ứng dụng nền tảng của Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, gồm: “Ứng dụng Công dân Thủ đô số “(iHanoi); Hồ sơ sức khỏe điện tử TP Hà Nội trên ứng dụng VNeID; Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; Hệ thống Thông tin phục vụ họp và Xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.
Đây là kết quả của việc triển khai Kế hoạch số 269/KH-UBND ngày 13/11/2023 của UBND TP về việc triển khai thí điểm lập Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch số 11/KH-UBND ngày 10/01/2024 của UBND TP về việc triển khai thí điểm ứng dụng “Công dân Thủ đô số” phục vụ việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về tất cả các lĩnh vực của đời sống dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội.
Thí điểm mô hình “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” tại phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) là mô hình đầu tiên TP Hà Nội trong việc cụ thể hóa Đề án 06. Ảnh: Mộc Miên |
Bước chuyển mình rõ nét
Thực hiện nhiệm vụ chung “Đề án 06 là đột phá của đột phá” và tư duy “làm chuyển đổi số thành công mới có thể đi tắt đón đầu - phát triển bền vững và song hành cùng chuyển đổi xanh”, cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn, vào cuộc đồng hành của Tổ công tác 06/CP, Bộ Công an (các đơn vị nghiệp vụ của Bộ), các Bộ ngành (BHXH, Thông tin truyền thông, Y tế, TP…) một khí thế làm việc, sáng tạo, đổi mới của các đơn vị TP Hà Nội.
Các sở, ngành, UBND các cấp đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 năm 2024 và các Kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ của Đề án; thực hiện hiệu quả công tác truyền thông cơ sở tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Nhiều mô hình, cách làm hay từ cơ sở góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06/CP trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngày 23/6/2022, UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) thí điểm “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”. Đây là mô hình đầu tiên TP Hà Nội trong việc cụ thể hóa Đề án 06. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, người dân được tuyên truyền lợi ích về việc khai hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian đi lại, không phải chờ đợi, đơn giản thủ tục giấy tờ. Kết quả, sau 3 tháng triển khai, đến tháng 9/2022, tỉ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến tăng gấp 3 lần, mỗi ngày tiếp nhận 10-15 hồ sơ/ngày trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến được giải quyết ngay. Qua đó tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với những lĩnh vực đã triển khai dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Các hồ sơ đều được giải quyết đúng hạn và trước hạn.
Triển khai từ tháng 7/2022, mô hình “5 thủ tục - 5 giải quyết tại chỗ” tại phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) là điểm sáng thực hiện mô hình chính quyền điện tử Thủ đô. 5 thủ tục hành chính gồm: Thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc chứng nhận; Thủ tục chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản; Thủ tục đăng ký kết hôn; Thủ tục đăng ký khai sinh và Thủ tục đăng ký khai tử sẽ được giải quyết tại chỗ với các bước: Tư vấn, hỗ trợ; Tiếp nhận; Thụ lý; Phê duyệt và Trả kết quả.
Theo cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả hồ sơ hành chính Nguyễn Việt Chinh, mô hình “5 thủ tục, 5 giải quyết tại chỗ” triển khai tại phường Vĩnh Phúc đã giảm thời gian giải quyết một số thủ tục hành chính cấp phường, tiết kiệm thời gian cho người dân, người dân chỉ cần đến một lần, chờ đợi trong thời gian ngắn để nhận kết quả nên rất hài lòng. Hiệu quả mô hình không chỉ giúp giữ vững tỉ lệ 100% hồ sơ hành chính cấp phường được xử lý đúng hạn, mà còn nâng cao tỉ lệ hồ sơ được thụ lý giải quyết và trả trước hạn, không còn hồ sơ tồn đọng. Đồng bộ triển khai các mô hình cải cách hành chính, các đơn vị cấp cơ sở triển khai kế hoạch thi đua cao điểm hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử với tỉ lệ bao phủ cao.
Các mô hình “Thủ tục hành chính không hẹn ngày”, “Chính quyền vì dân phục vụ”, “Hồ sơ không hẹn” là những sáng kiến linh hoạt đang được vận dụng tại các xã, thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức, cùng với mô hình “3 tại nhà" áp dụng với thủ tục hành chính lĩnh vực Người có công được triển khai tại 27/27 UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Xuyên hay các mô hình “Ngày không viết” và “Ngày không hẹn” trong giải quyết thủ tục hành chính tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì… đã tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, mang lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân. Người dân tiết kiệm hàng chục nghìn giờ đi lại, chờ đợi, tỉ lệ hài lòng đạt gần 100%.
Đột phá trong thực thi các chính sách đã tạo điều kiện, chuẩn bị hành trang cơ bản cho công dân, doanh nghiệp tham gia vào việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tạo lập kênh kết nối số nhanh chóng và thuận tiện giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp của Thủ đô.
(Còn nữa)
Mời quý độc giả đón đọc kỳ 2: "Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID mang lại nhiều thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp", xuất bản vào 7h, thứ 7, ngày 29/6/2024.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại