Kỳ 1: Nhận diện gốc rễ của tham nhũng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐại diện VKSND luận tội với các bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”. Ảnh: Nhật Nam |
Tham nhũng gắn liền với bộ máy Nhà nước
Trước tiên phải khẳng định, tham nhũng là hiện tượng gắn liền với quyền lực Nhà nước. Quyền lực Nhà nước được thể hiện thông qua hệ thống các cơ quan Nhà nước, thông qua đội ngũ cán bộ, công chức được trao quyền và được đảm bảo thực hiện bằng hệ thống pháp luật và các quy phạm khác. Tham nhũng xuất hiện ở tất cả các quốc gia trên thế giới ở các thể chế, chính trị khác nhau, dù là các nước chậm phát triển, các nước đang phát triển hay các nước phát triển, vấn đề là mức độ tham nhũng và cách nhìn nhận về tham nhũng dưới góc độ như thế nào mà thôi. Có thể nhận thấy là, ở quốc gia nào mà hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ hoặc khả năng thực thi pháp luật yếu kém đã tạo ra nhiều “kẽ hở” để những người có chức vụ, quyền hạn “lách luật” trục lợi, làm giàu bất chính, làm cho tệ nạn tham nhũng có xu hướng gia tăng.
Trước đây, khi nói đến tham nhũng là nói đến hiện tượng xảy ra trong hệ thống các cơ quan Nhà nước (khu vực công) mà thôi. Tuy nhiên, hiện nay tham nhũng đang có xu hướng “lây lan” sang khu vực tư (khu vực ngoài Nhà nước như các DN tư nhân, các DN có vốn đầu tư nước ngoài…). Đây là điều mà không chỉ riêng Việt Nam mà ở các quốc gia khác trên thế giới cũng đã nhận thấy điều này. Nguy hại của vấn nạn tham nhũng đã được Đảng ta chỉ rõ qua các kỳ Đại hội Đảng và tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định tham nhũng “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ” . Tham nhũng được xác định là quốc nạn cản trở những nỗ lực đổi mới, nó tác động tiêu cực tới sự phát triển của đất nước, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Sự “tha hóa” trong quyền lực, trong đạo đức lối sống?
Trong vụ án “Chuyến bay giải cứu”, tại phần tự bào chữa, bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng GĐ Cty Blue Sky, giãi bày, phân trần trước tòa: "Qua vụ án này bị cáo nghĩ rằng DN là nạn nhân của “cơ chế xin - cho”, nạn nhân của văn hóa phong bì, nạn nhân của văn hóa thiếu hiểu biết".
Hiện nay, cụm từ “cơ chế” được sử dụng phổ biến trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội: cơ chế đặc thù, cơ chế một cửa, cơ chế mở, cơ chế cải cách… Vậy cơ chế là gì? Nói một cách khái quát thì nó dùng để chỉ một quy luật, quy trình vận hành của một hệ thống, nhưng “cơ chế xin - cho” mà bị cáo Sơn trong trường hợp vừa nêu thường được nhìn nhận dưới giác độ tiêu cực.
Tham nhũng có nguyên nhân do yếu tố cơ chế? Đúng nhưng chưa đủ. Đúng là bởi trong xây dựng quy luật, vận hành tổ chức hoạt động của bộ máy, cơ quan Nhà nước chúng ta ở đâu đó chưa được khoa học, minh bạch, rõ ràng, có sự đan xen, chồng chéo giữa các cấp, ngành dẫn đến sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan với nhau, thậm chí còn có sự mâu thuẫn, xung đột trong quá trình thực hiện.
Sự “tha hóa” của cá nhân thể hiện ở sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự tha tha hóa về đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến “tha hóa quyền lực” và tham nhũng chính là hệ quả tất yếu. Tham nhũng được xác định là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Thật đau lòng khi một loạt các vụ án tham nhũng xảy ra tại các cơ quan y tế, giáo dục, CA, quân đội, ngoại giao với hàng loạt nhân vật cấp cao trong bộ máy các cơ quan công quyền...
Nguyên nhân nào dẫn đến sự tha hóa của cán bộ? Những thay đổi, ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới; sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường, mặt trái của quá trình hội nhập; các yếu tố văn hóa ngoại lai… đã khiến không ít cá nhân trở nên “tha hóa”. Biểu hiện của sự “tha hóa” đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị thể hiện sự yếu kém trong nhãn quan chính trị, dễ dàng bị các thế lực phản động lôi kéo, lợi dụng; sự tha hóa về nhân cách dẫn đến tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, coi trọng giá trị của đồng tiền; quan liêu, sách nhiễu dân; lợi dụng chức vụ để mưu lợi ích riêng; đặc biệt là lối sống cơ hội… Tình trạng “tha hóa” trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, lãnh đạo có một phần thuộc về nguyên nhân chủ quan của cá nhân và một phần từ sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật đã tạo ra kẽ hở cho những hành vi vi phạm.
Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI đã đánh giá “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau. Về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”.
Trong cuốn “Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây là cái gốc của tham nhũng. Vì vậy, Tổng Bí thư kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. |
(Còn nữa)
Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp | |
Vì sao 3 cán bộ UBND phường Sông Bằng bị khởi tố? | |
6 bị can bị bổ sung tội danh trong vụ án tại Công ty Cổ phần khoáng sản Bắc Giang |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại