Kết luận 21- KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, Kết luận 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp đó là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Luật phòng, chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ, cùng với đó là kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm của nhiều bộ ngành, địa phương đều đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu… Biết rất rõ điều này nhưng không ít người đứng đầu bộ ngành, địa phương vẫn nhúng chàm với một loạt sai phạm về đảng, về pháp luật. Hành xử của không ít người chẳng khác “ông vua con” như lời Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội 12 của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban bí thư về công tác dân vận tổ chức vào tháng 5/2016. Nhìn lại vụ án cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam cùng 27 đồng phạm trong vụ án bán rẻ hai khu đất Nhà nước, gây thiệt hại hơn 5.700 tỷ đồng đang đặt ra vấn đề cần phải kiểm soát tốt hơn việc thực thi quyền lực, nhất là việc thực thi quyền lực của những cán bộ là người đứng đầu các địa phương đơn vị. |
Hơn 10 năm trước, khu đất đã được ông Trần Văn Nam, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao trái quy định cho Tổng Công ty 3/2 theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Hành vi này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 761 tỷ đồng. Kể từ khi sai phạm đến khi vụ việc được phát hiện như ở Bình Dương là 11 năm, hơn 2 nhiệm kỳ. Điều này đã tạo điều kiện cho những người như ông Nam tiếp tục sai phạm và tiếp tục thăng tiến qua nhiều nhiều cương vị chủ chốt từ Phó Chủ tịch, lên Chủ tịch rồi trở thành người đứng đầu cấp ủy của địa phương. Câu hỏi đặt ra ở đây, trách nhiệm của các đơn vị phòng chống tham nhũng ở địa phương và các cơ quan giám sát của Trung ương phụ trách địa phương ở đâu khi người đứng đầu địa phương gây ra sai phạm? Chiều 24/1/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội đã đưa ra phán quyết với bị cáo Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Bộ Công thương) và 3 đồng phạm trong vụ án sai phạm về đất đai xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Cụ thể, bị cáo Vũ Huy Hoàng phải chịu hình phạt tù 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Dưới sự chỉ đạo của ông Vũ Huy Hoàng, bà Hồ Thị Kim Thoa (cựu thứ trưởng Bộ Công thương, đã bỏ trốn) đã dẫn tới hậu quả là quyền quản lý, sử dụng khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng bị chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát hơn 2.700 tỉ đồng. Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận về việc quản lý Nhà nước và thực hiện pháp luật trong việc cử đoàn đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương giai đoạn từ 2012-2016. Đặc biệt, Bộ Công thương dẫn đầu về độ “chịu chơi” khi bố trí lãnh đạo đi công tác nước ngoài rất nhiều. Người có "kỷ lục" đi nước ngoài trong các bộ ngành, địa phương thuộc đối tượng thanh tra là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương. Cụ thể, năm 2014 ông Hoàng tham gia tới 23 đoàn đi nước ngoài, năm 2015 tham gia 22 đoàn. Riêng năm 2015, tổng số thời gian ông Hoàng ở nước ngoài là 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm. Thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra không chỉ ông Hoàng mà hầu hết các thứ trưởng khác cũng tham gia đi nước ngoài nhiều hơn 2 lần/năm. Riêng ông Hoàng năm nào cũng đi vượt quá số lần này, trong đó năm đi ít nhất là 2016 tham gia 3 đoàn, năm đi nhiều nhất là 2014 tham gia 23 đoàn, các năm khác tham gia từ 12-22 đoàn. Ngày 6/7/2021, tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII, Trung ương Đảng đã quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Câu chuyện về phiên tòa xét xử 7 bị cáo trong vụ tham ô 50 tỉ đồng, xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng mới đây cho thấy bị cáo Nguyễn Văn Sơn, cựu trung tướng, cựu Tư lệnh Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cùng nhóm sĩ quan cáo cấp của mình chẳng khác nào những “ông vua con” khi cho mình quyền lấy tiền của Nhà nước, của Nhân dân để biến đó thành tiền chia chác cho cá nhân hưởng lợi. Nếu sự việc không bị phát hiện, chắc chắn những người như bị cáo Sơn sẽ còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế, về uy tín của lực lượng Cảnh sát biển. |
Tháng 6/2022, trong Báo cáo tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Bộ Chính trị cho thấy cấp ủy, Uỷ ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Chắc chắn, trong số này sẽ có những “ông vua con” được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương… chỉ mặt, đọc tên. Điều này cho thấy cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang không ngừng, không nghỉ và không có vùng cấm, đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng khẳng định. |
Điều gì sẽ xảy ra khi người sai phạm lại chính là người có chân trong ban phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Không ít trong số này là người đứng đầu địa phương ra văn bản chỉ đạo, trong khi chính bản thân mình đang vi phạm pháp luật. Câu chuyện tại các địa phương như Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai… đang chứng minh một sự thật như thế. Xin bắt đầu từ UBND tỉnh Bắc Giang. Ngày 15/11/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương ban hành Kế hoạch Số: 586/KH-UBND về “Khắc phục hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN)”. Kế hoạch đề cập đến việc triển khai thực hiện công tác PCTN theo các tiêu chí chấm điểm đánh giá như hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Từ năm 2018 đến 2020 cho thấy Bắc Giang là địa phương có điểm số nằm trong nhóm bình quân chung của cả nước. Năm 2019, UBND tỉnh Bắc Giang được Thanh tra Chính phủ chấm 47,53/100 điểm (thấp hơn điểm bình quân chung cả nước là 14,25 điểm) và là địa phương có điểm số nằm trong nhóm điểm thấp của cả nước (xếp hạng 57/63 tỉnh thành). Tại kế hoạch này, ông Lê Ánh Dương chỉ đạo: “Sớm cải thiện những chỉ số thành phần về công tác PCTN nhằm đưa thứ hạng xếp loại đánh giá công tác PCTN của tỉnh bằng và cao hơn mức bình quân chung của cả nước... Trong đó: Xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng…”. Chỉ đạo mạnh mẽ là thế nhưng ngay trong giai đoạn này ông Lê Ánh Dương cùng một loạt lãnh đạo sở ngành đang vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. |
Ngày 20 và 21/2/2023, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 26 xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19… Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Khiển trách Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021 - 2026, Đảng ủy Sở Tài chính nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các ông Lê Ánh Dương, Phan Thế Tuấn và Nguyễn Đình Hiếu. Cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế nhiệm kỳ 2020 - 2025 và ông Từ Quốc Hiệu. Tháng 6/2023, tại Quyết định 386/2023, Thủ tướng thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh và Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. Hai ông Dương và Tuấn đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về đảng. |
Tại tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/1/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái ban hành Kế hoạch Số: 1111/KH-UBND về: “Công tác PCTN và thực hiện chương trình hành động về PCTN trên địa bàn tỉnh”. Trong kế hoạch này ông Thái chỉ đạo các cấp: “Nâng cao hiệu quả công tác PCTN và từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng…; Thực hiện nghiêm chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; Các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện trách nhiệm người đứng đầu trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng và báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu thuộc thẩm quyền của đơn vị, địa phương khi xảy ra vụ việc liên quan đến tham nhũng… Kế hoạch PCTN quyết liệt là vậy nhưng chính ông Thái lại không bước qua được sự cám dỗ của đồng tiền, vi phạm trách nhiệm người đứng đầu. Tháng 10/2022, ông Thái bị Cơ quan CSĐT bắt giữ với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án liên quan đấu thầu của công ty AIC. Tháng 12/2022, ông Đinh Quốc Thái bị Thủ tướng xóa tư cách chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai hai nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Đây là kỷ luật về mặt chính quyền sau khi ông Đinh Quốc Thái bị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đảng (khai trừ khỏi Đảng) giữa tháng 12/2022. Tháng 1/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên ông Thái 9 năm tù vì nhận hối lộ 14,5 tỷ đồng của AIC. |
Câu chuyện người đứng đầu UBND tỉnh ra văn bản một đằng rồi làm một nẻo hay quyết tâm chống tiêu cực trên giấy tờ văn bản nhưng hành động lại đi ngược lại không chỉ có ở Đồng Nai, Bắc Giang mà còn diễn ra ở UBND tỉnh Thanh Hóa. Ngày 5/12/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ban hành Báo cáo số 205/BC-UBND về: “Kết quả công tác PCTN năm 2019; Kế hoạch PCTN năm 2020”. Về phương hướng PCTN năm 2020, trong đó có các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Tăng cường công tác thanh tra thực hiện nhiệm vụ PCTN, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; thanh tra về lĩnh vực tài chính- ngân sách, quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng…”. Ngay tại thời điểm này Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng và nhiều lãnh đạo khác đang vi phạm về kinh tế dẫn đến việc Bộ Chính trị sau này phải tiến hành kỷ luật. Cụ thể, ngày 28/7/2023, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc trong việc cho chủ trương đầu tư, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch một số dự án sử dụng đất của Công ty CP Tập đoàn FLC; cho chủ trương phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư công thuộc đề án thành phố thông minh; trong quản lý, sử dụng đất và thực hiện dự án Hạc Thành Tower;… Về cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; và ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương. |
Tháng 4/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Tiêu chuẩn chọn nhân sự phải là người vừa có tài vừa có đức: “Lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ các mặt, uy tín và hiệu quả công tác làm căn cứ và tiêu chí cơ bản để đánh giá, lựa chọn, bố trí cán bộ phù hợp với công việc. Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...”. Sau đại hội đã có cán bộ không giữ được mình, buộc Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… phải ra quyết định kỷ luật. Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 24 tổ chức vào ngày 16/8/2023 để thảo luận, cho ý kiến về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 6 tháng đầu năm 2023 và nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay cho thấy, Trung ương đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, bố trí công tác khác đối với 15 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm, nghỉ công tác, bố trí công tác khác gần 150 trường hợp sau khi bị kỷ luật, trong đó có 4 cán bộ diện Trung ương quản lý, 65 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý. (Còn nữa) |
Vì sao Bộ Chính trị, Ủy ban kiểm tra Trung ương… chỉ mặt, đọc tên sai phạm một loạt người đứng đầu bộ ngành, tỉnh, thành? |
Nội dung: Xuân Khánh- Khắc Hạnh
Đồ hoạ: Thanh Tuấn