Kỳ cuối: Bản lĩnh của người cán bộ
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTranh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn |
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; để chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi và "bảo vệ, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung".
Cùng với đó Chính Phủ cũng đã ban hành Công điện yêu cầu thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các địa phương phải chủ động, tích cực giải quyết các công việc được giao theo thẩm quyền, không được đùn đẩy, né tránh; không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay, rất cần những cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị, vững vàng, có năng lực thực sự để tự tin gánh vác nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức giao phó. Bản lĩnh của người cán bộ được trưởng thành thông qua học tập, được tôi luyện qua đấu tranh, qua thử thách trong các môi trường khó khăn, khắc nghiệt để hình thành lên bản lĩnh, nhân cách của người cán bộ. Bản lĩnh của người cán bộ là dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Ở vụ án “Chuyến bay giải cứu”, một số luồng dư luận tỏ ý tung hô “bản lĩnh” cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng khi bị cáo này đối chất trước các ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng bằng những ngôn từ, lý lẽ rất kín kẽ. Bởi nắm trong tay mọi “ngón nghề” nên Hưng mới có “bản lĩnh” như vậy. Tiếc thay cái “bản lĩnh” ấy chỉ là sự quanh co, chối tội, né tránh, phản bác nhằm che đậy những việc làm sai trái của cá nhân, hành động dám làm nhưng không dám chịu thì đâu còn là “bản lĩnh”?
Bản lĩnh của người cán bộ là gì? Đó là thấy lợi nhưng không tham, thấy khó khăn nhưng không chùn bước, không vì lợi dụng cơ chế, chính sách để thực hiện những hành vi vụ lợi nhằm trục lợi cá nhân. Bản lĩnh của người cán bộ có thể “miễn nhiễm” trước những lợi ích trước mắt, những vinh hoa, bổng lộc từ những việc làm sai trái có thể mang lại; đó là tự học tập, tự đấu tranh để tránh được “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân.
Người cán bộ có bản lĩnh thể hiện ở việc luôn xác định đặt lợi ích của tập thể, lợi ích của Nhân dân lên trên hết, không vì một chút tư lợi cá nhân, sẵn sàng chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước tập thể, trước Nhân dân vì những việc đã làm. Trong những thời điểm cấp bách, những tình huống đòi hỏi phải quyết định nhanh, bản lĩnh của người cán bộ được thể hiện thông qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trong công tác tham mưu, sẵn sàng tạo ra những cơ chế mở, những bước đi mang tính đột phá, bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân để sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.
Bản lĩnh của người cán bộ, công chức không phải tự nhiên mà có, nó là kết quả của một quá trình học tập, phấn đấu, rèn luyện lâu dài, không ngừng nghỉ, là kết quả của sự sàng lọc, lựa chọn trong công tác tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước ta. Nói rộng ra, nó là là kết tinh, là sự phản ánh của đạo đức, văn hóa, giáo dục của một quốc gia, dân tộc.
Vì vậy, đào tạo cán bộ, công chức nhìn một cách sâu xa, nó là hệ quả phản ánh về trình độ văn hóa, giáo dục của quốc gia ấy. Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay cũng chính là một cách để tôi rèn bản lĩnh của người cán bộ, tạo động lực, nhằm khơi dậy sự cống hiến, khát khao khẳng định bản thân của những cán bộ có tâm huyết, có bản lĩnh.
Xây dựng được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng là chủ trương lớn mang tính xuyên suốt của Đảng nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận có khả năng “miễn nhiễm” trước những mối nguy cơ, như cách Mạnh Tử nói về bậc đại trượng phu "Phú quý bất năng dâm/Bần tiện bất năng di/Uy vũ bất năng khuất" để chúng ta nói về bản lĩnh của người cán bộ hiện nay “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.
Vẫn biết rằng tham nhũng là hiện tượng gắn liền với bộ máy Nhà nước và việc thực thi quyền lực công của người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, để triệt tiêu tham nhũng về mặt khoa học lý giải là không thể. Vấn đề là để tham nhũng không còn là “vấn nạn”, nó chỉ là hiện tượng riêng lẻ, cá biệt thì chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, phải tạo ra sự thống nhất, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay là một quá trình vô cùng gian nan, vất vả, lâu dài nhưng đặc biệt quan trọng vì nó quyết định đến sự tồn vong của Đảng, sự cường thịnh của nước nhà. Để công cuộc ấy được hiện thực hóa thì phải có một đội ngũ cán bộ, công chức có “bản lĩnh”, luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết để phụng sự Nhân dân, phụng sự dân tộc. Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ấy, hãy để cho lương tri, phẩm giá và cái tốt đẹp được hiện hữu, lên ngôi.
Kỳ 1: Nhận diện gốc rễ của tham nhũng | |
Kỳ 2: Cuộc đấu tranh lâu dài, “không có vùng cấm” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại