Kỳ 2: Cuộc đấu tranh lâu dài, “không có vùng cấm”
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo trong vụ sai phạm tại Cty AIC hầu toà. Ảnh: Nhật Nam |
Củng cố vững chắc thêm niềm tin của Nhân dân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, phòng chống tham nhũng là chống giặc nội xâm, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp và lâu dài. Do đó phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực; phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng", một cơ chế để "không cần tham nhũng".
Trong công tác phòng chống tham nhũng, trước hết phải có quyết tâm chính trị cao và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
Bên lề công cuộc “đốt lò” hiện nay, một số ý kiến cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm chậm sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, đó là cách nhìn nhận phiến diện, một chiều, không phản ánh được đúng thành quả của công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta hiện nay.
Chính công cuộc “đốt lò” ấy đã giúp chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố vững chắc thêm niềm tin của Nhân dân đối với chế độ, tạo tiền đề cho sự ổn định, ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, chùn bước những người lỡ "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh và dũng khí".
Rất đau xót nhưng buộc phải làm
Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" bởi hai mặt này có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Phải kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu các hành vi sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là công cuộc khó khăn, lâu dài, phức tạp, nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không dừng, không nghỉ, không kể đó là ai, không có vùng cấm”. Đó có thể là đấu tranh của chính bản thân mình để không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không vấp ngã, mềm lòng trước những lợi ích và đó cũng có thể chúng ta phải đấu tranh với chính anh em ruột thịt của mình, những đồng đội, đồng chí vào sinh ra tử, những tập thể gắn bó với bản thân. “Không thích thú gì khi kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót, nhưng buộc phải làm. Như Bác Hồ từng dạy, cắt một vài cành sâu, mọt để cứu cả cây” (trích lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 23/6/2022).
Để ngăn ngừa biểu hiện tha hóa đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay là một vấn đề cần kíp và lâu dài, cần sự tham gia tất của cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp, ngành. Tạo chuyển biến thật sự trong việc rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng thông qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Một số vụ án trọng điểm trong thời gian qua đã cho thấy dấu ấn công cuộc chống tham nhũng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” có những bước chuyển biến mạnh mẽ đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân, cùng với đó Chính phủ đang nỗ lực từng ngày, từng giờ để xây dựng một “Chính phủ kiến tạo” vì người dân, vì doanh nghiệp.
(Còn nữa)
Kỳ 1: Nhận diện gốc rễ của tham nhũng |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại