Không có “vùng cấm” trong phòng chống hàng giả
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Tổng cục QLTT |
Thu giữ nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu nổi tiếng
Vừa qua, tại Hà Nội, dưới sự giám sát của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Cục QLTT TP Hà Nội đồng loạt tiến hành kiểm tra 4 quận, huyện trọng điểm trên địa bàn Thủ đô. Đồng loạt 5 Đội QLTT của TP Hà Nội đã chia thành nhiều đoàn và đột xuất kiểm tra nhiều điểm kinh doanh thuộc 4 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Hoài Đức.
Tại địa bàn trung tâm quận Hoàn Kiếm, Đội QLTT số 2 đã thu giữ gần 400 sản phẩm là quần áo giả mạo thương hiệu The North Face, Nike, Aiddas, LV, Gucci tại các cửa hàng kinh doanh quần áo ở địa chỉ 33A phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc; cửa hàng kinh doanh quần áo Fox Sport tại địa chỉ 19 Hàng Đường, phường Hàng Đào và cửa hàng quần áo - HKD Đỗ Anh Quân, tại 78-80 Hàng Khoai, phường Hàng Mã.
Đội QLTT số 5 đã tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh kính mắt, giày dép, phụ kiện điện thoại trên địa bàn Phố Bạch Mai, Trần Khát Chân và Kim Ngưu, thu giữ trên 400 sản phẩm giày dép, kính mắt giả mạo nhãn hiệu.
Đặc biệt, ra quân kiểm tra tại chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm - một trong những tụ điểm có tiếng về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ tại miền Bắc phân phối đi cả nước, Đội QLTT số 8 và số 14 đã thu giữ gần 2.000 sản phẩm là quần áo, giày dép mang các thương hiệu nổi tiếng như: Prada, LV, Gucci, Adidas. Bên cạnh đó, những bao tải chất đầy sản phẩm với những ký hiệu bằng các nét chữ nguệch ngoạc thể hiện hàng hóa là giầy, dép các nhãn hiệu Gucci, Adidas, MLB… cũng đang sẵn sàng để chờ vận chuyển đi tiêu thụ.
Tương tự, trên địa bàn huyện Hoài Đức, kiểm tra các cửa hàng, hộ kinh doanh giày dép, quần áo, tổ công tác của Đội QLTT số 24 cũng thu giữ hàng trăm sản phẩm là giày dép giả mạo các nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.
Với việc đồng loạt ra quân kiểm tra, lực lượng QLTT đã thu giữ gần 2.900 các sản phẩm chủ yếu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu tại 15 cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hà Nội.
Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) được triển khai đồng bộ trên cả 63 tỉnh, thành phố tập trung vào các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm. Có thể nói, sau gần 3 năm triển khai, Kế hoạch 888 đã đóng góp lớn vào kết quả chung của toàn lực lượng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại.
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, trong quá trình đôn đốc, giám sát các tỉnh, TP triển khai Kế hoạch 888 thì thực trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và luôn thay đổi.
Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát dịp cuối năm
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra phức tạp. Các đường dây, ổ nhóm nhập lậu, vận chuyển, tập kết và buôn bán hàng nhập lậu vẫn tồn tại.
Với quyết tâm ngăn chặn hoạt động buôn lậu và những giải pháp mạnh mẽ, trong tháng 11, các lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 TP đã thanh tra, kiểm tra 2.925 vụ; xử lý: 2.626 vụ. Khởi tố 4 vụ đối với 5 đối tượng. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước là trên 361 tỷ đồng. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử...
Trong đó, Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 547 vụ, xử lý hành chính 510 vụ. Xử phạt hành chính 6,81 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm gần 6,8 tỷ đồng. Công an TP kiểm tra 94 vụ, xử lý 99 vụ, phạt hành chính hơn 1,85 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm gần 4,4 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng. Cục Hải quan TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ. Xử phạt hành chính 3,2 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 5,7 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 41,4 tỷ đồng.
Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, chào bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, rồi gửi qua dịch vụ bưu chính chuyển phát, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã, các lực lượng chức năng chủ động nắm tình hình, xác định tuyến, địa bàn, mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm; làm tốt công tác nghiệp vụ; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, nhất là hoạt động thương mại điện tử.
Từ nay đến hết năm 2023 lực lượng chức năng TP Hà Nội đồng loạt triển khai Kế hoạch số 57/KH-BCĐ389/TP của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội về kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024 trên địa bàn Hà Nội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại