Nhìn lại một loạt đại án như: “Chuyến bay giải cứu”, Kit test Việt Á, … cho thấy đây cũng là phép thử đối với công tác tổ chức cán bộ. Nếu bản lĩnh không tốt thì cho dù ở cương vị cao nhất bộ ngành, tỉnh, thành và hơn nữa cũng sẽ bị gục ngã trước cám dỗ. Cán bộ sa ngã phải tự trách bản thân trước thay vì đổ tội cho ai đó lôi kéo mình. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 tổ chức vào ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh: “Chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. |
Người được giao chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy…”. Trước đó đúng 1 năm, phát biểu tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã cảnh báo những biểu hiện nguy hiểm, trong đó có việc “lý thuyết suông, nói một đằng, làm một nẻo”. Tổng Bí thư dẫn hai câu thơ khuyết danh để chỉ ra hậu quả của tình trạng cán bộ lãnh đạo thoái hóa: "Người trên ở chẳng chính ngôi/Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào". |
Từng có thời gian, nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” ở nhiều nơi bị rơi vào hình thức, do không xác định rõ cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân. Khi xảy ra sai sót, khuyết điểm không ai chịu trách nhiệm. Do vậy, vừa có hiện tượng dựa dẫm vào tập thể, không rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích người đứng đầu có nhiệt tình, tâm huyết, dám nghĩ, dám làm; tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân. Vậy đâu là “liều thuốc” hiệu quả trong công tác cán bộ, đưa người đứng đầu bộ ngành, địa phương về đúng trách nhiệm của mình, tránh tình trạng lạm quyền, dựa vào tập thể để “mượn gió bẻ măng” trục lợi cho cá nhân, người thân, phe cánh… của mình? Câu trả lời rất rõ ràng, từ nhiều năm nay cả hệ thống chính trị đang cùng vào cuộc trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Minh chứng cho điều này là Kết luận 21- KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI; Kết luận 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp đó là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Luật phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ, cùng với đó là kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hàng năm của nhiều bộ ngành, địa phương đều đề cập đến trách nhiệm người đứng đầu… |
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định phải: "đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn", đồng thời "gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc". Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII mới đây ban hành và chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm cho thấy đây là chủ trương rất đúng và cũng là một bài học kinh nghiệm quý trong công tác cán bộ của chúng ta. Ngày 23/9/2029, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vào cuộc sống. Quy định này đã đề ra 6 nội dung đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; 6 nội dung đối với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị; quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp. Đặc biệt, Quy định 205-QĐ/TW chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ bị xử lý. Tài liệu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy giai đoạn 2013-2022 vừa qua, Đảng ta đã nỗ lực rất lớn để hoàn thiện cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện. Chiếc “lồng cơ chế” để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ đã tương đối đầy đủ, mang trong mình chức năng cảnh báo, răn đe. Nếu có sai phạm là do cán bộ đó, người đứng đầu bộ ngành, địa phương đó cố ý làm sai, bất chấp pháp luật và các quy định khác về đảng. |
Sự vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến PCTN của Ban Chấp hành Trung ương đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương, các cơ quan tố tụng… chính là biện pháp xử lý mạnh mẽ nhất đối với những ai đang cố tình làm sai. Chỉ tính trong 10 năm qua (giai đoạn 2012 – 2022) cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Uỷ viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Đây là một bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Sáng 8/6/2023, Hội trường nơi đang diễn ra kì họp Quốc hội như sôi động hơn, hôm nay Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trực tiếp đăng đàn trả lời nhiều câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu. Phiên chất vấn diễn ra đầy trách nhiệm với những câu hỏi tập trung vào các vấn đề như: Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm; Vấn đề kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực… |
Với câu hỏi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, đâu giải pháp cốt lõi để Chính phủ kiểm soát quyền lực? Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời thẳng thắn, muốn PCTN hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực, đây là việc có ý nghĩa quan trọng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong PCTN, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm. Thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý Nhà nước như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, phải “nhốt” quyền lực vào lồng cơ chế. Về giải pháp sắp tới, Phó Thủ tướng cho biết: Thứ nhất, phải hoàn thiện cơ chế để thực thi quyền lực Nhà nước; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Thứ hai, phải tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, điều tra, xét xử là những cơ quan thực thi pháp luật liên quan tới phòng, chống tham nhũng. Thứ ba, phải tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn. Chúng ta thực hiện cơ chế tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm, giải trình,… Đặc biệt, đối với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện. Thứ tư, phải kết hợp chặt chẽ giữa các cơ chế kiểm soát của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức đoàn thể, vai trò của báo chí, đặc biệt là phát huy vai trò của nhân dân trong việc tiếp cận thông tin, quyền khiếu nại, tố cáo cũng như phản ánh, kiến nghị của Nhân dân theo quy định. Có làm được như vậy thì công tác PCTN mới thực hiện tốt hơn. Không chỉ bằng lời nói, trước đó vào tháng 4/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký thay Thủ tướng báo cáo của Chính phủ về tổng kết Chiến lược Quốc gia PCTN nhũng năm 2020 và Kế hoạch Thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết, trong 10 năm đã có 1.141 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. 4.971 cán bộ, công chức vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức đã bị xử lý. Nhiều biện pháp PCTN đã phát huy hiệu quả. Trong đó, việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn từng bước đi vào nề nếp… Nhiều quy định liên quan đến xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đã được Chính phủ ban hành, với xu hướng ngày càng chặt chẽ hơn. |
Trả lời báo chí thời điểm tháng 8/2022, GS. Lê Hồng Hạnh, Tổng Biên tập tạp chí Pháp luật và Phát triển, Ủy viên Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích, kiểm soát quyền lực là một trong số các thành tố quan trọng nhất của phương thức tổ chức và thi hành quyền lực được định danh là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Yếu tố này đặc biệt có ý nghĩa đột phá đối với sự phát triển đất nước… Tình trạng lạm dụng quyền lực, đặc biệt là lạm dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang rất nghiêm trọng. Các vụ đại án trong những năm qua và mới đây là Việt Á, Cục Lãnh sự, AIC... là những bằng chứng cho mức độ nghiêm trọng này… Không ít những người đứng đầu các cơ quan chức năng, các tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, chưa hoàn toàn đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng nên đã đẩy yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước sang một bên khi thực thi quyền lực nhà nước. Minh chứng là nhiều bí thư tỉnh ủy dính vào các vụ đại án, nhất là đại án trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài sản công. Theo Giáo sư Lê Hồng Hạnh, rất nhiều điều kiện cần và đủ để kiểm soát quyền lực, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Nhốt quyền lực để nó không bị lạm dụng, bị thao túng. Kiểm soát quyền lực được đảm bảo bằng các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với việc phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch và không chịu sự lệ thuộc lẫn nhau ngoài khuôn khổ luật định. Để kiểm soát được quyền lực, hệ thống chính trị của đất nước cần xây dựng và hoàn thiện nhiều giải pháp khác nhau. |
Tháng 4/2022, Bộ Chính trị ban hành kết luận 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Như vậy, cho đến năm 2030, Bộ Chính trị vẫn tiếp tục yêu cầu: “Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ. Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; chủ động, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm…”. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, phân tích về quan điểm, chủ trương của Đảng trong Đại hội XIII. Điểm mới của văn kiện là đã có những bước phát triển mới về PCTN với nhiều biện pháp như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN. Đặc biệt, văn kiện nhấn mạnh: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”. |
Đến giờ, Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã thành lập được hơn 1 năm. Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Khi họp bàn chủ trương này, cũng có ý kiến băn khoăn về hiệu quả hoạt động, bởi trước đây chúng ta cũng đã từng tổ chức Ban Chỉ đạo cấp tỉnh rồi, chỉ khác về cơ chế lãnh đạo; hơn nữa ở phạm vi địa phương thường bị chi phối bởi các mối quan hệ thân quen, gia đình, họ hàng, làng xóm, cho nên khó khăn hơn ở Trung ương. Thậm chí, có dư luận băn khoăn, vì sao chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm như thế, nhưng vẫn xảy ra một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều cán bộ ở cả Trung ương và địa phương? Dư luận cũng bức xúc, lo lắng trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm? Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp ("tham nhũng vặt") vẫn còn diễn ra, chưa được ngăn chặn, xử lý hiệu quả? |
Nhưng sau 1 năm hoạt động, mọi nghi ngờ đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giải đáp: “Chỉ trong một thời gian ngắn, trong vòng 2 tháng, tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, với thành phần nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, theo đúng quy định của Trung ương… Chỉ trong một năm, sau khi được thành lập, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã rà soát, đưa 600 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện theo dõi, chỉ đạo để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý nhiều vụ án lớn, nhiều cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy quản lý, trong đó có cả nguyên Bí thư, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở, Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Yên, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Lào Cai, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, An Giang,... |
Số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao (Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021); số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh…”. Tháng 8/2023, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay điểm mới trong nhiệm kỳ này là, thực hiện chủ trương của Trung ương, cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng đã kiên quyết làm rõ trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng trong lĩnh vực được giao quản lý, phụ trách. Theo Ban Chỉ đạo, công tác điều tra, truy tố, xét xử được tiến hành mạnh mẽ, quyết liệt; nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước được chỉ đạo xử lý bài bản, thận trọng, nghiêm minh, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 452 vụ án/1.409 bị can về các tội tham nhũng (tăng 155 vụ/727 bị can so cùng kỳ năm 2022)… |
Các cơ quan đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 2 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 7 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 2 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang); điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt các bị can, bị cáo đang bỏ trốn trong các vụ án xảy ra tại Công ty AIC và một số địa phương, tạo bước đột phá trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Cũng trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 2.100 tỷ đồng; từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thu hồi được hơn 53.000 tỷ đồng (tăng gấp 2,5 lần so cả nhiệm kỳ Đại hội XII); trong đó đã thu hồi được nhiều tài sản tẩu tán ra nước ngoài; điển hình như đã thu hồi gần 2,7 triệu đô la Mỹ và 127.000 đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài. Trong bài phát biểu tại Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 16/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không quên nhắc tới vài trò hết sức quan trọng của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. |
Nội dung: Xuân Khánh - Khắc Hạnh
Đồ hoạ: Thanh Tuấn