Kỳ 1: Lật mặt các “thầy” lừa
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênChỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ, chị em sẽ được các “thầy” phán cho tỏ tường những khúc mắc trong cuộc sống, những nghi ngờ đau khổ dằn vặt bấy lâu… Nhưng cũng có không ít người phải ngậm đắng nuối cay vì bị các “thầy” lừa tình gạt tiền…
Thầy bói Lê Công Tâm tại CQCA |
Khi mánh khóe bị “phanh phui”
Ngày 28-9, CA quận Cầu Giấy, Hà Nội thông tin vừa bắt giữ Lê Công Tâm, SN 1995, trú tại huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh để làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, thông qua việc cúng dâng sao giải hạn, cầu tài lộc, sức khỏe... để lừa người nhẹ dạ cả tin, Tâm đã lập trang fanpage trên facebook có tên “Thầy Fu - Ajarn Fu Sak Yant” và đăng ảnh đại diện là một thầy pháp sư Thái Lan.
Sau đó Tâm đăng số điện thoại để khi có khách liên hệ trực tiếp cho mình. Để trang fanpage tăng lượng tương tác, thầy cúng “rởm” này còn thuê người mua các tài khoản facebook ảo để chạy quảng cáo. Khoảng tháng 8 vừa qua, chị K, ở Hà Nội, đã nhắn tin đến tài khoản do Tâm lập nên để bày tỏ được dâng sao giải hạn. Sau khi nhờ người lấy được thông tin tên tuổi của các thành viên trong gia đình chị K, Tâm yêu cầu chị này chuyển tiền làm lễ. Tin lời vị “pháp sư”, chị K đã 4 lần chuyển vào tài khoản ngân hàng của Tâm với số tiền hơn 190 triệu đồng.
Để “lòe” nạn nhân, Tâm cắt ghép, chỉnh sửa ảnh bàn lễ, đồ cúng cùng với ảnh của gia đình chị K. Thực tế gã thầy cúng “rởm” này không thực hiện làm lễ theo như lời hứa hẹn với nạn nhân. Một thời gian sau khi chuyển tiền, chị K biết mình bị lừa nên đã đến CQCA trình báo. Lo sợ bị phát hiện, Tâm đã trả lại tiền cho chị K, sau đó ra đầu thú. Tại CQCA, Tâm thừa nhận bản thân không hề biết cúng bái mà chỉ học mót các thủ thuật, ngôn ngữ cúng bái trên mạng để lừa đảo.
Chưa dừng lại ở đó, đã xuất hiện những thầy bói online lợi dụng sự tin tưởng mù quáng của tín chủ để “chăn dắt”, giở trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ. Trước đó, ngày 15-7, Cơ quan ANĐT-CA tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giữ Vũ Đức Hiệp, SN 1983, trú thôn Luật Nội Tây, xã Quang Lịch, huyện Kiến Xương để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo tài liệu của CQĐT, lợi dụng chị T.T.T.H, SN 1984, ở xã Bình Nguyên, cùng huyện Kiến Xương tin vào bói toán, Hiệp đã lôi kéo chị này tham gia vào các việc lễ lạt, cầu cúng, bói toán, gọi vong, nhập hồn qua đó lừa, lấy của bị hại cả tỷ đồng.
Một trong những thủ đoạn của Hiệp là dùng sim rác “dựng” lên một nhân vật “ảo” là “bà Lan thầy bói” để dụ dỗ, làm cho chị H tin, làm theo những “chỉ bảo” và yêu cầu của Hiệp. Ngoài lừa tiền của người đàn bà mê tín này, Hiệp còn nhiều lần khống chế bị hại để quan hệ tình dục. Hiện các vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Pháp sư Vũ Đức Hiệp bị bắt giữ tại nhà |
Đừng đặt cược vào các “giá trị hư vô”
PGS.TS, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam, giảng viên trường ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, các thầy bói “rởm” thường khuyếch đại, “sáng tác” ra những mối tai ương bất hạnh của những người nhẹ dạ cả tin để dọa dẫm, gây hoang mang lo sợ, rồi bày đặt cho việc cúng lễ, lập đàn dâng sao, yểm đảo…
“Việc các khổ chủ tin theo thầy bói “rởm” là bởi sự vô minh, mê muội, không tin nhân quả, hoặc họ bị tín chấp bởi người quen thân, thậm chí tên tuổi của những người có vai vế trong xã hội cũng được khai thác và đem ra làm mồi nhử, hoặc họ bị thủ đoạn lừa đảo tinh vi của thầy bói “rởm”, chúng dùng bọn “chân gỗ” làm mồi, lừa phỉnh theo hiệu ứng dây chuyền Domino”, chuyên gia tâm lý này cho hay.
PGS.TS, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam cho biết, thầy bói “rởm” thường khuyếch đại, “sáng tác” ra những mối tai ương bất hạnh của những người nhẹ dạ cả tin để dọa dẫm, gây hoang mang lo sợ, rồi bày đặt cho việc cúng lễ, lập đàn dâng sao, yểm đảo… |
Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam khuyến cáo, những người đặt kỳ vọng vào các “giá trị hư vô” không chỉ làm tổn hại kinh tế cá nhân và gia đình, mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ bùa phép dẫn đến những hậu quả khó lường. Đáng sợ hơn, khi không đạt được tham vọng, họ có thể sẽ trở nên mê muội, ích kỷ.
“Còn một số dự đoán của thầy bói “dởm”, chưa được cơ quan khoa học thẩm định khả năng thì đừng đặt niềm tin quá nhiều. Cần phân biệt hai khái niệm: “bói toán” và “khoa học dự báo”. Song song với việc bài trừ tệ nạn bói toán mê tín dị đoan, sử dụng biện pháp chế tài xử lý triệt để và quyết liệt với các hành vi mê tín dị đoan và hình sự hóa các hành vi lừa đảo, thì cần phải xây dựng một môn khoa học dự báo mang tính khách quan hơn - tiến hành các phương pháp dự báo mang tính khoa học, khách quan hóa các dữ liệu đầu vào (trong đó có cả các kênh nghiên cứu ứng dụng các khả năng ngoại cảm chân chính)”, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam nhận định.
Trên thực tế, pháp luật đã có các quy định cụ thể về tội hành nghề mê tín, dị đoan và xử phạt các hành vi lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi, với mức phạt lên đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tù đến 3 năm. Đồng thời, Tại Khoản Đ, Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng hành nghề bói toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. |
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại