Kỳ 1: Di tích lịch sử văn hóa - nguồn lực đặc biệt góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDi sản văn hóa ở Hà Nội là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Khánh Huy |
Hà Nội đưa ra 9 chính sách đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có chính phát triển văn hóa và giáo dục Thủ đô. Chuyên trang Pháp luật & Xã hội khởi đăng loạt bài: Hà Nội cần những đột phá gì trong phát triển văn hóa qua việc thực hiện Luật Thủ đô (sửa đổi) để hướng đến 4 định hướng trụ cột lớn (Chính quyền đô thị; Cơ chế tài chính ngân sách, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển Thủ đô và Vùng Thủ đô; Phát triển đô thị - nông thôn; Phát triển văn hóa – xã hội và khoa học - công nghệ).
Ngày nay, Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vô cùng phong phú, nhiều loại hình, mang đậm bản sắc văn hoá của người Việt, trong đó phải kể tới các di tích lịch sử - văn hoá. Hà Nội có số lượng di tích nhiều nhất cả nước, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt, có di tích đã được UNESCO vinh danh.
Nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước
Các di tích đó hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hoá và khoa học, xét dưới góc độ phát triển, đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực đặc biệt có thể khai thác để góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô. Việc khai thác đó, dù ít dù nhiều, hay dù mới ở giai đoạn khai mở, nhưng đã khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của hệ thống di tích trong bối cảnh phát triển hiện nay.
Tính đến nay, theo số liệu thống kê, Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử văn hóa (LSVH), trong đó có 21 di tích - cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt; 1.182 di tích được xếp hạng là di tích cấp thành phố; 1 di sản văn hóa thế giới; 1 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Trong các di tích này còn có một số di vật đã được công nhận hệ thống 82 bia đá ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở đền Quan Thánh (quận Ba Đình), các pho tượng Phật thời Tây Sơn ở chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất), chuông Nhật Tảo ở đình Nhật Tảo (quận Bắc Từ Liêm); tượng đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng tại đền - chùa Bà Tấm (huyện Gia Lâm)…
Các di tích LSVH được phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, trong đó một số địa phương có số lượng di tích lớn như huyện Thường Tín (440 di tích), huyện Ứng Hòa (433 di tích), huyện Ba Vì (394 di tích), huyện Chương Mỹ (374 di tích), huyện Phú Xuyên (345 di tích), huyện Sóc Sơn (341 di tích)… Các quận nội thành do tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích không lớn, nên số lượng di tích có phần kiêm tốn hơn, cụ thể như quận Thanh Xuân (29 di tích), quận Ba Đình (47 di tích), quận Cầu Giấy (49 di tích), quận Hai Bà Trưng (51 di tích), quận Hoàn Kiếm (66 di tích)…
Theo quy định của Luật Di sản văn hoá về phân loại hình di tích, các di tích LSVH của Thủ đô có đầy đủ cả 4 loại hình: Loại hình di tích lịch sử; Loại hình di tích khảo cổ; Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật; Danh lam thắng cảnh. Ảnh: Khánh Huy |
Theo quy định của Luật Di sản văn hoá về phân loại hình di tích, các di tích LSVH của Thủ đô có đầy đủ cả 4 loại hình: Loại hình di tích lịch sử; Loại hình di tích khảo cổ; Loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật; Danh lam thắng cảnh.
Với nguồn lực đặc biệt là hệ thống các di tích LSVH, là nguồn tài nguyên đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô Hà Nội. Việc tổ chức khai thác hệ thống di tích góp phần phát triển du lịch, nguồn thu từ hoạt động này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của Thủ đô.
Theo TS. Trần Đức Nguyên - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, đối với tổng thể hệ thống di tích LSVH để có thể bảo tồn cũng như phát huy giá trị góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô, cần chú ý đến một số vấn đề như: Nâng cao nhận thức đúng đắn và đầy đủ của các cấp chính quyền, đoàn thể và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của hệ thống di sản văn hóa nói chung của các di tích LSVH nói riêng trên địa bàn Thủ đô. Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị hệ thống di sản này cũng được nhìn nhận một cách đầy đủ, khách quan và theo đúng xu hướng hiện nay.
Tiếp tục và nâng cao việc đầu tư ngân sách cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn thành phố. Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu đã được ghi nhận nhiều di tích được bảo vệ, giữ gìn kéo dài tuổi thọ, nhưng cũng còn nhiều di tích bị xuống cấp, có nguy cơ bị hủy hoại bởi chưa kịp thời quan tâm, đầu tư kinh phí cho việc chống xuống cấp, trùng tu, tu bổ. Cần có những chính sách phù hợp để đẩy mạnh, khuyến khích, tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực xã hội hóa từ cộng đồng tham gia vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích LSVH.
Tăng cường việc phối hợp liên kết giữa các điểm di tích với các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô. Việc liên kết với các trường phổ thông cần có kế hoạch, chương trình cụ thể. Thông qua đó, các trường học đưa chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vào các nội dung học cụ thể, đưa học sinh đến các di tích, các bảo tàng trên địa bàn để tìm hiểu, học tập trải nghiệm thực tế. Tăng cường cho thế hệ trẻ học đường có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm tại các điểm di tích để thêm hiểu, thêm yêu truyền thống lịch sử thông qua các chương trình tham quan di tích lịch sử cách mạng mang tính “về nguồn”, tham gia bảo vệ các di tích, tổ chức kết nạp Đoàn, Đội ngay tại các điểm di tích ở địa phương…
Tạo điều kiện cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao tại các làng xóm, khu dân cư có thể diễn ra tại các điểm di tích như các chương trình văn nghệ truyền thống, sinh hoạt câu lạc bộ tuổi thơ, tổ chức các lễ hội địa phương… qua đó đời sống văn hóa tại cơ sở được gắn kết với các điểm di tích.
Đồng thời, tăng cường xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; xây dựng các không gian sáng tạo tại các điểm di tích/di sản văn hóa để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Trường hợp của khu di tích Nhà tù Hỏa Lò và Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là những ví dụ bước đầu cho sự thành công theo hướng đi này. Xây dựng các không gian sáng tạo nhằm thu hút du khách là điều cần phải bản tới, có giá trị thực tiễn hiện nay khi từ năm 2019, Hà Nội đã gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.
Điều đó sẽ khơi mở những cơ hội mới đối với Hà Nội “Hệ thống di sản văn hóa phong phú là tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa; là động lực để thổi bùng lên ngọn lửa của sức sáng tạo và đổi mới đối với cộng đồng sáng tạo của Thủ đô và cả nước.
Hà Nội đã gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Đó là điều kiện thuận lợi phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa; góp phần quan trọng trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững... Đây sẽ là đòn bẩy để Hà Nội trở thành Trung tâm sáng tạo của khu vực Đông Nam Á”.
Sản phẩm sáng tạo còn thiếu sự độc đáo, tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa
Theo TS. Nguyễn Văn Hoạt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Thủ đô đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội...
Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo (TPST) của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa.
Bên cạnh đó, thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các TPST khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước.
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các TPST ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới TPST Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ…
Các chuyên gia cho rằng, cần bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ảnh: Khánh Huy |
Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan, tháng 10/2019, Hà Nội mới gia nhập mạng lưới các TPST, đầu năm 2020 tình hình đại dịch COVID-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp, nhiều kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động đã bị hoãn lại. Môi trường thể chế dù đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa có khả năng giải phóng sức sáng tạo, thúc đẩy đa dạng các biểu đạt văn hóa dựa trên sự kết nối nguồn tài nguyên văn hóa với khoa học - công nghệ; chưa có những chính sách hiệu quả nhằm huy động nguồn đầu tư thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa cũng như phát triển TPST. Số lượng các dự án liên quan đến TPST, công nghiệp văn hóa còn ít, chưa đủ sức thâm nhập và tác động sâu rộng tới nhận thức của những người tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và dịch vụ văn hóa, cũng như với toàn xã hội. Chưa kể, hầu hết cộng đồng người dân Thành phố còn mơ hồ với khái niệm TPST.
Vì thế, cần có cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư thích đáng phát triển văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Cần bố trí tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm để chi đầu tư cho văn hóa, kết hợp với huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.
Ưu tiên đầu tư bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có nguy cơ mai một; có chính sách hỗ trợ, đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghệ nhân bảo vệ, truyền dạy cho đội ngũ kế cận, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng ở trong nước và ở nước ngoài; mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định theo khả năng cân đối ngân sách của Thủ đô.
(Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại