Thứ hai 25/11/2024 14:31
Khi Luật sư làm công tác Trợ giúp pháp lý:

Kỳ 1: Công tác trợ giúp pháp lý không chỉ có những niềm vui

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mặc dù không đếm nổi những lần tham gia công tác trợ giúp pháp lý, nhưng với Luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, công việc trợ giúp pháp lý luôn khiến anh có nhiều cảm xúc nhất.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Cảm giác bất lực, ngậm ngùi

Luật sư Hùng cho biết, từ khi đang còn là học viên đào tạo Luật sư tại Học viện Tư pháp, mọi học viên đều đã được tham gia trợ giúp pháp lý. Bản thân ông là cán bộ lớp, lại có nhiều năm công tác nên có được nhiều cơ hội trực tiếp tham gia trợ giúp pháp lý tại các địa phương, cấp phường, xã trong địa bàn TP Hà Nội. Vào việc từ năm 2014 cho đến nay, số lần tham gia trợ giúp ông không còn nhớ là bao nhiêu vụ nữa, có nhiều vụ sau khi hoàn thành, dù có đạt hay không đạt vẫn để lại trong lòng ông những nỗi trăn trở, canh cánh…

Ông kể, vào năm 2014, ông gặp một trường hợp mà cho đến ngày nay, khi nghĩ lại đôi lúc ông vẫn thấy ngậm ngùi. Trong thời chiến, mạng sống con người mong manh, mỗi chiến sỹ khi xung phong lên tiền tuyến là đã xác định cống hiến cho đất nước. Nhưng những mất mát, những khổ đau lại luôn là những người vợ, người mẹ tần tảo ở quê gánh chịu.

Chị là người Bắc, công tác tại khu công nghiệp Cao – Xà – Lá lúc bấy giờ, có chồng là cán bộ miến Nam tập kết. Hai anh chị xây dựng gia đình năm 1960, kịp có với nhau một người con trai. Năm 1965 anh trở lại miền Nam chiến đấu. Năm 1970, chị nhà nhận được tin của anh từ đơn vị, anh đã hy sinh ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Bởi còn con nhỏ, đất nước chia cắt… chị nén nỗi đau vào lòng và ở giá nuôi con khôn lớn.

Mãi cho đến khi con cái đã trưởng thành, ở cái tuổi không còn trẻ niềm ước ao duy nhất là được biết anh nằm đâu và thắp cho anh một nén hương để trọn nghĩa. Chị đã được giới thiệu và tìm đến các luật sư với mong muốn hỗ trợ thủ tục để đi tìm hài cốt của anh. Sự tảo tần, sự vất vả của người phụ nữ mất chồng khiến bất cứ ai gặp chị cũng chung nỗi niềm cảm thông sâu sắc. Chị đã sống xuyên qua cả khoảng thời gian đằng đẵng từ lúc đất nước còn chia cắt đến khi hòa bình lập lại, trải qua bao biến thiên của lịch sử. Tất cả mọi thứ đã đổi thay, riêng tình cảm và khao khát được tìm thấy anh là không đổi.

Luật sư Hùng kể, đó là cả một câu chuyện dài và hết sức xúc động. Đã bao năm nay, chị đã tìm đến rất nhiều cơ quan và tổ chức tìm kiếm thông tin về anh. Cứ hễ nghe có người biết, hoặc thấy có người cùng chung chiến trường là chị mày mò tìm hiểu. Cố gắng mãi, thế nhưng vẫn vô vọng. Chị bảo, trước khi nhắm mắt nguyện vọng duy nhất của chị là được biết nơi anh yên nghỉ và được thắp hương cho anh một lần.

“Khi nghe ước nguyện ấy khó ai có thể cầm được nước mắt. Hơn 50 năm tuổi thanh xuân với bao nhọc nhằn người phụ nữ ấy đã hy sinh và chờ đợi, chỉ để một lần biết nơi anh yên nghỉ. Thực sự lúc ấy những người đàn ông trai tráng đã trải qua phân nửa cuộc đời như chúng tôi cũng không khỏi nghẹn ngào.” – luật sư Hùng cảm khái.

Thế nhưng dù cố gắng lắm, nhưng vẫn không thể tìm được chút thông tin về anh. Lúc đó, cảm giác thật sự bất lực, ông Hùng cho biết.

Và những niềm vui

Gạt đi những trăn trở, những ngậm ngùi, công tác trợ giúp pháp lý cũng hết sức có ý nghĩa với những người luật sư.

Vào một ngày gần tết năm 2018, luật sư Hùng rất bất ngờ khi nhận được một cuộc điện từ một số máy lạ. Cuộc gọi được thực hiện bởi một cô gái, cô cho biết cô có số điện thoại của ông qua danh thiếp ông để lại trong một lần đi trợ giúp pháp lý ở một xã thuộc huyện Quốc Oai. Cô gái sau một hồi ấp úng cũng trình bày nguyện vọng, cô muốn được luật sư tư vấn.

Cô kể, cô lấy chồng từ năm 18 tuổi, năm 19 cô sinh được một cháu gái đầu lòng, hai năm sau cô tiếp tục sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Những tưởng con cái vẹn toàn, hai vợ chồng sẽ vì những đứa trẻ mà chí thú làm ăn. Nhưng rồi khi con còn vẫn ở tuổi mẫu giáo, chồng cô, một người lao động tự do về nhà nằng nặc đòi li dị vì có bồ bịch bên ngoài.

Qua điện thoại, luật sư Hùng nhận định đây là một cô gái trẻ điển hình của phụ nữ nông thôn. Nhẫn nhịn, chịu thương chịu khó, sớm lập gia đình và cuộc sống từ khi về nhà chồng thế giới chỉ còn chồng và con. Việc chồng có mối quan hệ ngoài luồng, thậm chí về ruồng rẫy và bạo hành thì với những người phụ này cũng vẫn sẽ cố gắng nhẫn nhịn để mong con có bố, có mẹ.

Sau một kiên nhẫn nghe cô trình bày, xác định những việc cần giải quyết, luật sư Hùng đã vỗ về chia sẻ rồi hướng dẫn cô gái trước hết tiếp tục dùng tình nghĩa để mong thức tỉnh người chồng. Cần chỉ ra cái được, cái mất khi vì chút yếu lòng mà phá vỡ đi một gia đình nền tảng đang có, cần phân tích để người chồng có thực sự muốn đánh đổi hạnh phúc thực tại với mối quan hệ mới mẻ kia không.

Đồng thời luật sư Hùng hướng dẫn, dù quyết định của anh chồng là gì thì cũng thuyết phục anh ấy gọi điện cho luật sư. Và quả thực cô gái đã làm được điều đó. Anh chồng đã gọi điện, qua trao đổi nắm bắt tâm lý của cả đôi bên, luật sư Hùng đã ổn định tâm lý cho cả hai. Người chồng đã hiểu được cái nên và không nên của việc ly hôn và quyết định từ bỏ những quan hệ bên ngoài, quay về với vợ và những đứa con, tiếp tục xây dựng hạnh phúc gia đình

“Đây là một niềm vui rất lớn trong công việc trợ giúp pháp lý. Niềm vui hơn cả sự hài lòng.Tòa án bớt đi một phiên tòa xử vụ ly hôn không đáng có của các đôi vợ chồng trẻ.” – luật sư Hùng nói.

(Còn nữa)

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động