Thứ bảy 27/04/2024 03:41
Du lịch Việt Nam cần làm gì cho thời điểm mở lại du lịch?

Kỳ 1: Chống dịch nhưng không quên những bước chuẩn bị cho sự trở lại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Du lịch vốn là ngành công nghiệp không khói mang lại doanh thu không hề nhỏ cho mỗi quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Cuộc chiến với Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, cùng với việc khôi phục nhanh, ổn định lại mọi hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp du lịch cũng cần chuẩn bị thật tốt để hoạt động trở lại với những phương án, sản phẩm, điểm đến phù hợp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch (VH-TT&DL) là mở cửa từng bước, không ồ ạt, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

Chính phủ tạo nhiều thuận lợi cho việc phục hồi du lịch

Nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, trong đó có phục hồi thị trường du lịch đang gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch Covid-19, ngày 9-9-2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây là sự tạo điều kiện rất tích cực đối với ngành du lịch nhằm khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế, tiến tới từng bước phục hồi hoạt động ngành du lịch trong bối cảnh mới.

Kỳ 1: Chống dịch nhưng không quên những bước chuẩn bị cho sự trở lại
Vào ngày 10-9-2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH,TT&DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang)

Trong Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao đẩy nhanh việc đàm phán, công nhận lẫn nhau về “Hộ chiếu vắc xin” với các quốc gia, vùng lãnh thổ, đối tác nhằm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2021. Chính phủ cũng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ trong Tổ công tác 5 Bộ và các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục rà soát quy trình, giải quyết thuận lợi việc nhập cảnh đối với các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài và thân nhân vào Việt Nam, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra.

Vào ngày 10-9-2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý với đề xuất của Bộ VH,TT&DL về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang).

Cùng với kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc do Bộ VH,TT&DL cùng tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện, một số địa phương cũng đang khẩn trương chuẩn bị phương án cụ thể, chi tiết nhằm vực dậy ngành du lịch của địa phương mình như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh); các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo (Bà Rịa -Vũng Tàu), Vĩnh Phúc...

Việc tái khởi động kích cầu du lịch nội địa được coi là giải pháp thiết thực nhằm phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài “đóng băng”. Đây được xem là một chủ trương kịp thời, giúp các địa phương có điểm tham quan, các vùng du lịch trọng điểm trên cả nước thích ứng với yêu cầu mới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khó lường.

Thế giới đã có gì và những động thái của ngành du lịch Việt Nam

Trong thời gian vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu cho phép công dân dùng “hộ chiếu vắc-xin” để đi du lịch và sử dụng cho các hoạt động khác trong nước. Chứng nhận này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc di chuyển nội địa và quốc tế trong tương lai, bởi việc kết nối lại các hoạt động đi lại, giao thương trên toàn cầu đang trở nên ngày càng cấp thiết.

Ví dụ như Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Chứng nhận kỹ thuật số Covid-19 nhằm tạo thuận lợi đi lại trong khối. Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã phát triển công cụ chứng nhận sức khỏe điện tử có tên Thẻ thông hành số (Digital Travel Pass), sử dụng trong lĩnh vực hàng không. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project đã phát triển Thẻ thông hành chung (Common Pass). Tập đoàn IBM đã phát triển và đưa vào áp dụng Thẻ thông hành y tế số (Digital Health Pass)...

Tại Việt Nam, việc triển khai thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” với thị trường nội địa là cần thiết, vừa chuẩn bị kế hoạch đi lại cho người dân an toàn, vừa tạo cơ hội cho ngành du lịch tái khởi động sau thời gian dài đóng băng. Có thể bắt đầu đón khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm âm tính tại thời điểm khởi hành tới những điểm đến an toàn, vùng xanh như Phú Quốc, Quảng Ninh... Từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra những điểm đến khác.

Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, đã chuẩn bị hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 theo tiêu chuẩn châu Âu, tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm sẵn sàng đón và phục vụ khách nước ngoài khi hoạt động du lịch quốc tế được mở trở lại. Chứng nhận này được các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế. Được biết, Hệ thống chứng nhận đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, giúp quản lý quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế.

Kỳ 1: Chống dịch nhưng không quên những bước chuẩn bị cho sự trở lại
Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin do Tổng cục Du lịch nghiên cứu và xây dựng theo tiêu chuẩn của châu Âu

Hệ thống này cung cấp quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh vào Việt Nam, trong quá trình khách đi lại, du lịch ở Việt Nam và cho đến khi khách xuất cảnh rời Việt Nam. Hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin của Tổng cục Du lịch được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng những quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế.

Với việc được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, người dùng đã có thể sử dụng app để khai báo các thủ tục chứng nhận tiêm chủng vắc-xin. Đồng thời, người dùng có cơ hội tiếp cận và tận dụng hệ sinh thái các tiện ích thông minh trên ứng dụng như tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh ở các địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour du lịch, khám phá điểm đến...

Hiện nay ứng dụng đang tiếp tục được nâng cấp một cách toàn diện, đồng bộ để phục vụ người dùng một cách hiệu quả nhất, góp phần đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh mới, trong đó có tính năng rất cần thiết là cập nhật thông tin xét nghiệm Covid-19.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn được triển khai xây dựng theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhằm mang lại cho du khách một công cụ đồng hành hữu ích trong bối cảnh dịch bệnh.

Đây một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, cơ sở y tế, hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm…

Với mục tiêu hỗ trợ du khách những thông tin du lịch an toàn để yên tâm khi đi du lịch trong điều kiện bình thường mới, ứng dụng cung cấp một hệ sinh thái tiện ích thông minh với nhiều tính năng nổi bật.

Các tính năng hỗ trợ du lịch an toàn giúp người dùng có thể sử dụng tính năng bản đồ số để tra cứu điểm đến an toàn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện tiêu chí an toàn tại các cơ sở lưu trú, tờ khai y tế theo quy định của Bộ Y tế, khai báo và đánh giá an toàn Covid-19 tại địa chỉ https://safe.tourism.com.vn đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, tính năng “Phản ánh” hỗ trợ du khách gửi thông tin phản ánh có kèm hình ảnh, video tới cơ quan chức năng về chất lượng, dịch vụ của cơ sở kinh doanh. Các phản ánh sẽ được chuyển đến Tổng cục Du lịch và các cơ quan chức năng liên quan để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Ngoài ra app còn tích hợp thẻ du lịch số (Digital Travel Card) hỗ trợ khách thực hiện các giao dịch thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ giải trí, mua vé điện tử, vé giao thông, quản lý tour du lịch, bảo hiểm du lịch…

Bên cạnh đó, ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn cũng tích hợp nhiều tiện ích phục vụ khách như tra cứu công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, khám phá điểm đến, sản phẩm mới…

(Còn nữa)

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động