Kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo kế hoạch, đến cuối năm 2023, TP Hà Nội sẽ phát triển từ 5-9 mô hình trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch. Ảnh: Tuyết Nhi |
Phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được đặc biệt chú trọng
Là một trong những địa phương có số lượng làng nghề, làng có nghề lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn được đánh giá là cái nôi sản xuất ra những sản phẩm làng nghề truyền thống đạt chất lượng cao và được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa thích.
Các làng nghề truyền thống của Hà Nội có lịch sử hàng trăm năm như: gốm sứ Bát Tràng hình thành cách đây 600 năm, sơn mài Hạ Thái, mây tre đan Phú Vinh 400 năm, khảm trai Chuôn Ngọ 1.000 năm, xa hơn nữa là làng nghề dệt lụa Vạn Phúc ra đời cách đây 1.200 năm...
TP Hà Nội còn có những sản phẩm mang tính riêng biệt, đặc thù như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Ky, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên… Các sản phẩm làng nghề đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, được các nước, tổ chức, cá nhân đánh giá cao.
Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay sức hấp dẫn của các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đang có dấu hiệu bị giảm đi đáng kể, bởi các làng nghề, các nghệ nhân không có sự thay đổi mẫu mã, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hằng ngày về kiểu dáng, mẫu mã.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Gốm sứ, mây tre đan, dệt may, da dầy, Sơn mài, khảm trai, đồ gỗ...
Việc phát triển các sản phẩm xuất khẩu của làng nghề được Hà Nội đặc biệt chú trọng. Bởi, thủ công mỹ nghệ là mặt hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch cao với nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn. Nhiều sản phẩm làng nghề đã được xuất khẩu sang Mỹ, Canada và các nước châu Âu như gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan…
Để thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm làng nghề, Sở Công thương đã tham mưu cho TP Hà Nội xây dựng định hướng phát triển xuất khẩu từ nay đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đưa chỉ tiêu có 6 - 10 nhóm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội được xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường nước ngoài; đồng thời, nâng tỷ trọng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ chiếm từ 3%-5% trong tỷ trọng xuất khẩu của TP.
"Thời gian vừa qua, Sở Công thương đã tổ chức rất nhiều chuỗi sự kiện cho các doanh nghiệp Hà Nội, đặc biệt là các doanh nghiệp làng nghề kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp của nước ngoài như: Singapore, Lào, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan...Từ đó, giúp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội đứng vững trên thị trường trong nước cũng như được xuất khẩu trực tiếp, không thông qua doanh nghiệp trung gian; tạo nên thương hiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội trên thị trường thế giới" - bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Ngoài việc cải tiến mẫu mã, nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhờ vào thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công lên nền tảng thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa ra thị trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Hà Nội luôn có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu. Chính vì vậy, hiện nay TP Hà Nội luôn quan tâm kết nối vùng nguyên liệu với các tỉnh, TP trong cả nước để triển khai sản xuất. Để gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, Nhà nước cần phải hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu.
Trong đó, dành quỹ đất để xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề nhằm di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào sản xuất tập trung. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân trong việc cho thuê đất, tích tụ đất đai để phát triển vùng nguyên liệu tập trung trong và ngoài tỉnh để phục vụ sản xuất. Điều chỉnh giảm giá thuê đất đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn trong các cụm công nghiệp, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung phục vụ sản xuất.
"Song song với đó là đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề. Ưu tiên phát triển một số sản phẩm chủ lực như mây tre lá, gốm sứ, thêu dệt, dược liệu… tại các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp" - ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh.
Đồng thời, hỗ trợ cơ chế hợp tác công tư để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề. Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Đẩy mạnh quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề
Theo Sở Công thương Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 10/2/2023 của UBND TP Hà Nội về phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023, Sở Công thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện năm 2023.
Theo đó, thực hiện phát triển từ 5-9 mô hình trung tâm tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm); xã Duyên Thái (huyện Thường Tín); xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì); xã Di Trạch (huyện Hoài Đức); xã Vân Hà (huyện Đông Anh); xã Hòa Lâm (huyện Ứng Hòa); làng nghề dệt lụa tơ tằm Vạn Phú (quận Hà Đông).
Bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, triển khai nhiệm vụ này, Sở Công thương Hà Nội sẽ xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP. Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức các nội dung hoạt động khuyến công cụ thể làm căn cứ để các phòng, đơn vị triển khai thực hiện.
Đồng thời, phối hợp với các phòng kinh tế các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của kế hoạch phát triển Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn biết và đăng ký tham gia.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Sở Công thương Hà Nội sẽ thực hiện khảo sát, xây dựng, ban hành bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP. Tổ chức đánh giá, công nhận 5-9 mô hình trung tâm.
Tổ chức tập huấn cho các chủ thể tham gia công tác phát triển, quản lý, vận hành các trung tâm; nâng cao năng lực cho các nghệ nhân thiết kế, nhà thiết kế trẻ sáng tạo mẫu mã mới. Tổ chức các hoạt động thông tin truyền thông để quảng bá. Xây dựng, thiết kế bộ nhận diện thương hiệu. Tổ chức hội thảo, triển lãm về bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa thiết kế sáng tạo. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các làng nghề có trung tâm được công nhận.
Thuê tư vấn xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá, hướng dẫn, phát triển mô hình Trung tâm thiết kế, sáng tạo, giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn TP gồm: tiêu chí công nhận căn cứ các quy định tại Quyết định 3928/QĐ-UBND ngày 13/8/2021 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Hướng dẫn của Bộ Công Thương về tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, kết hợp với một số các tiêu chuẩn, quy định phù hợp với từng địa phương như môi trường, hạ tầng,..
Mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo sẽ gồm các không gian: Không gian trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm (sản phẩm mới, sản phẩm truyền thống). Không gian giao dịch, hội thảo nhóm là khu vực tổ chức các hoạt động giao dịch, hội thảo nhóm chuyên đề thiết kế sáng tạo sản phẩm. Không gian trình diễn, trải nghiệm và thông tin các sản phẩm. Không gian chụp ảnh sản phẩm là nơi dàn dựng và chụp các mẫu sản phẩm bảo đảm tính thẩm mỹ cao.
Bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, việc ra đời các trung tâm trên nhằm kiến tạo môi trường triển khai hoạt động hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn, chủ thể sản xuất-kinh doanh làng nghề hình thành và phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, sẽ nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, OCOP, làng nghề, xây dựng chuỗi liên kết từ thiết kế sáng tạo, sản xuất-chế biến, tiêu thụ sản phẩm (thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế) trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trong kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
“Mô hình cũng tạo môi trường liên kết giữa nghệ nhân, đội ngũ thiết kế trẻ với tinh thần khởi nghiệp. Các viện nghiên cứu, trường đại học chuyên ngành, tổ chức quốc tế phát huy ưu thế văn hóa địa phương, khát vọng phát triển kinh tế của cộng đồng tại làng nghề truyền thống trên địa bàn các huyện, thị xã” – bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Theo Sở Công thương Hà Nội, Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn; trong đó, có 318 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống - hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Nhắc đến làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ, dệt lụa Vạn Phúc, thêu ren Quất Động, mây tre đan Phú Vinh, sừng Thụy Ứng…; cùng những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng, như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Mê Linh… Sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ, từ truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay. |
Hà Nội tổ chức 2 hội chợ giới thiệu sản phẩm làng nghề và OCOP | |
“Góp phần vào việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống” |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại