AI trong viết và dịch sách: công cụ đắc lực hay đối thủ đáng gờm?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Một góc nhìn về tương lai, nơi AI hỗ trợ và nâng cao khả năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực dịch và viết sách. |
Những người hoài nghi cho rằng AI chỉ có khả năng tổng hợp kiến thức mà nó thu thập được từ mạng Internet. Điều này đồng nghĩa với việc những cuốn sách do AI viết ra không khác gì một mớ kiến thức hỗn độn, thiếu giá trị thực tiễn và không mang lại lợi ích cho người đọc. Họ cho rằng những sản phẩm này không thể có giá trị thương mại, bởi vì chúng thiếu đi sự sáng tạo và cảm xúc của con người.
Nhận định trên có căn cứ, bởi vì nếu chỉ sử dụng AI để tổng hợp thông tin từ mạng, kết quả thu được sẽ rất hạn chế và có thể trở nên vô giá trị. Những cuốn sách như vậy thiếu sự sáng tạo, cảm xúc và trải nghiệm cá nhân – những yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm văn học thực sự.
Theo Hội đồng Nhà văn Châu Âu (European Writers’ Council), khoảng 65% nhà văn viết tiểu thuyết và hơn 75% các dịch giả tin rằng A.I sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập tương lai của họ.
Chị Giang Linh, biên tập viên một nhà xuất bản ở HN cho biết: “Công việc sáng tác có những đặc thù riêng mà tôi khó có thể nhận định, nhưng về dịch sách, nếu không dùng A.I sẽ bị lạc hậu, bỏ lại phía sau rất nhiều. Hiện tại, các công cụ A.I tiến bộ từng ngày, tự cạnh tranh lẫn nhau. Ví dụ, dịch tiếng Trung hiện nay trên chatGPT hoặc Gemini rất tốt, cho thấy tính học hỏi của A.I rất mạnh, có khả năng điều chỉnh văn phong, ngữ điệu,... rất tiện cho công việc dịch & biên tập đẹp hơn, chuẩn hơn. Rõ ràng các biên tập viên phải cập nhật và phát triển bản thân từng ngày”.
Học viên tại các cơ sở đào tạo quản trị, ứng dụng công nghệ AI. |
Mặt khác, A.I cũng có thể là một công cụ hỗ trợ đắc lực nếu được sử dụng đúng cách. Khi kết hợp kiến thức cá nhân, kỹ năng viết lách và trải nghiệm sống của người viết, AI có thể giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả và thậm chí mở ra những cách tiếp cận mới trong việc sáng tạo nội dung.
Anh Đức Nhân, tác giả cuốn sách “Kỷ luật tự thân” mới xuất bản tại Việt Nam, chia sẻ: “Bản thân mình cũng đã thử dùng A.I vào việc viết, và mình thấy A.I hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt trong việc đưa ra ý tưởng. Nhưng nội dung A.I đưa ra chỉ là phổ quát thôi. Một người viết cần có tư duy & kinh nghiệm nhất định để có thể biến đổi nội dung đó, thêm các từ ngữ để mềm mại, bay bổng & đi vào lòng người”.
Thạc sỹ Giáo dục Lương Dũng Nhân, tác giả của 6 cuốn sách xuất bản từ năm 2011 tới nay với tổng số ấn bản gần 100,000 bản, đồng thời là chuyên gia giảng dạy A.I, đã chia sẻ một số bước cơ bản để sử dụng A.I viết sách. Những bước đó bao gồm: 1- xác định mục tiêu & đối tượng độc giả, 2-thu thập & xử lý thông tin (với sự chọn lọc), 3-thêm vào kiến thức & trải nghiệm cá nhân, 4- sáng tạo và cải tiến, 5-chỉnh sửa & hoàn thiện. Trong từng bước đều có thể ứng dụng A.I để hỗ trợ.
“Một cuốn sách thực sự có giá trị không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn phải mang lại cảm xúc và sự kết nối với người đọc. Trong quá trình viết, tôi nhận ra rằng AI có thể giúp chúng ta xử lý một lượng lớn dữ liệu và đưa ra những gợi ý, nhưng chỉ có con người mới có thể tạo ra những câu chuyện và cảm xúc chân thật. Ví dụ, khi viết về những thách thức mà học sinh phải đối mặt trong thời đại số, tôi đã kết hợp dữ liệu từ AI với những câu chuyện thực tế từ học sinh của mình. Điều này giúp nội dung trở nên sinh động và có sức thuyết phục hơn.” - Thạc sỹ Lương Dũng Nhân cho biết.
Sự phát triển của A.I mang tới những thuận lợi không thể cưỡng lại của bất cứ ngành nghề nào, vì thế mỗi con người trong đó cũng cần đặt bản thân trong sự thay đổi để phát triển. Để tạo ra một cuốn sách chất lượng bằng cách sử dụng AI, người viết cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và biết cách tận dụng tối đa các công cụ AI.
Thạc sỹ Lương Dũng Nhân (Tác giả, chuyên gia giảng dạy AI) cho rằng nên có góc nhìn cởi mở hơn với AI. Sử dụng AI như một cánh tay hỗ trợ đắc lực, con người vẫn phải là chủ thể. |
Anh Đào Trung Thành (Phó Viện trưởng viện Blockchain & Trí tuệ Nhân tạo - ABAII) cho biết: “Khi các công cụ A.I trở nên dễ tiếp cận hơn, thị trường có thể chứng kiến sự gia tăng số lượng bản dịch với chi phí thấp hơn, khiến cho các dịch giả con người khó cạnh tranh hơn, đặc biệt trong các thể loại non-fiction dễ chuyển ngữ hơn. Theo tôi, các nhà văn & dịch giả đừng xem A.I như một đối thủ, mà hãy sử dụng nó để nâng cao năng suất của mình. Bằng cách tích hợp A.I vào quy trình làm việc, họ có thể đơn giản hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tập trung vào các khía cạnh phức tạp, sáng tạo hơn của công việc. Ngoài ra, tinh thần lifelong-learning (học tập cả đời) cần được đề cao. Việc giáo dục liên tục về các công nghệ A.I và ứng dụng của chúng trong viết sách & dịch thuật là cần thiết, các chuyên gia nên tìm kiếm đào tạo về các công cụ & phương pháp sử dụng A.I để duy trì tính cạnh tranh trong lĩnh vực của mình”.
Như vậy, việc sử dụng AI trong viết và dịch sách đã mở ra những thách thức cũng như cơ hội mới cho các nhà văn và dịch giả trong thời kỳ mới. Trí tuệ nhân tạo có thể làm giảm bớt công việc lặp đi lặp lại và cung cấp các gợi ý hữu ích, nhưng cuối cùng, chính những trải nghiệm và cảm xúc của con người mới tạo nên giá trị độc đáo của mỗi cuốn sách. Chúng ta sẽ có một thế hệ nhà văn và dịch giả mới trong thời gian rất gần tới đây.
Google Chrome "lột xác" với 2 tính năng AI siêu đỉnh | |
Việt Nam đứng thứ 6 tại cuộc thi Olympic trí tuệ nhân tạo quốc tế năm 2024 |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại