Thứ năm 03/10/2024 18:10

Nông sản Việt hội tụ tại Hội chợ Làng nghề 2024

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ngày 3/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khai mạc Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 và trao giải Hội thi sản phẩm làng nghề TP Hà Nội năm 2024.
Nông sản Việt hội tụ tại Hội chợ Làng nghề 2024
Sản phẩm nón lá làng Chuông đa dạng về mẫu mã, màu sắc. Ảnh: Trần Minh

Năm nay, Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi và các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo trên khắp cả nước.

Hội chợ Làng nghề sẽ góp phần kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP; tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho biết, những năm qua, làng nghề, ngành nghề nông thôn Việt Nam có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận gia đình ở nông thôn.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, số lượng làng nghề ở miền Bắc chiếm gần 40%, tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng sông Hồng với khoảng 1.500 làng, trong đó khoảng 300 làng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Trải qua lịch sử hình thành hàng trăm năm, đây là nơi sản sinh và lưu giữ nghề truyền thống với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, cùng với đó là những giá trị về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, di sản... mang đến tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn Việt Nam.

Việc phát triển các ngành nghề ở nông thôn một cách bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, thực trạng sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề, làng nghề thủ công mỹ nghệ còn gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân cả về chủ quan và khách quan.

Theo đó, các làng nghề thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; Sản phẩm làng nghề chậm được đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Các làng nghề cũng chưa tập trung phát triển những sản phẩm mới để vừa thu hút du khách, vừa thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm nghề truyền thống, khiến hệ thống sản phẩm du lịch còn thiếu đồng bộ, kém hấp dẫn. Việc ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm làng nghề còn chậm, chưa theo kịp xu thế tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay…

Với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1.000m2 diện tích đất trưng bày được thiết kế, trang trí đặc biệt, Hội chợ Làng nghề lần thứ 20 năm 2024 có sự tham gia của gần 100 đơn vị, doanh nghiệp cả nước.

Hội chợ sẽ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước như: gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức, thêu ren Thường Tín, đồ gỗ Canh Nậu, tò he Xuân La, mây tre đan Phú Vinh, nón lá làng Chuông, sơn mài Hạ Thái, khảm trai Chuôn Ngọ; chiếu cói Nga Sơn, nghề làm hương Quốc Tuấn, gốm Chu Đậu, gỗ Đông Giao, bạc Châu Khê, gốm Phù Lãng, gỗ lũa mỹ nghệ, trầm hương Quảng Nam, mỹ nghệ từ vỏ quế, mỹ nghệ từ sò ốc Bà Rịa Vũng Tàu, chạm khắc gỗ Lương Hòa Lạc, dệt chiếu Long Định…

Tại hội chợ, “Diễn đàn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử” cũng sẽ được tổ chức với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến qua nền tảng Zoom Meeting vào sáng ngày 4/10.

Năm nay Hội chợ Làng nghề còn có khu thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ tiêu biểu do 8 nghệ nhân đại diện cho 8 nhóm ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tham gia thao diễn trực tiếp.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, sau 6 tháng phát động, Hội thi sản phẩm làng nghề Hà Nội đã thú hút được 287 tác phẩm, bộ tác phẩm của 133 tổ chức, cá nhân, nghệ nhân, thợ giỏi, gồm 27 nghệ nhân và nghệ nhân ưu tú và 106 thợ giỏi tham gia dự thi đến từ 23 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Người lớn tuổi nhất tham gia dự thi năm nay là 84 tuổi, người trẻ tuổi nhất là 20 tuổi.

Ban tổ chức, Hội đồng Giám khảo, thành viên Tổ giúp việc Hội thi đã làm việc nghiêm túc, công tâm đến nay đã lựa chọn được 61 tác phẩm để trao giải thưởng gồm: 1 giải đặc biệt, 5 giải nhất, 10 giải nhì, 15 giải ba và 30 giải khuyến khích. Các tác phẩm thuộc 5 nhóm: Nhóm mây, tre, lá, cói; Nhóm Sơn mài, khảm trai ốc, gỗ mỹ nghệ; Nhóm gốm sứ và thủy tinh; Nhóm dệt và thêu; Nhóm Điêu khắc đá, kim khí, hoa nghệ thuật, tranh…

Với mong muốn đẩy mạnh kết nối chuỗi giá trị, tôn vinh các làng nghề, phố nghề truyền thống trên khắp cả nước; khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công nhằm nâng cao chất lượng, phát triển tinh hoa nghề thủ công truyền thống Việt Nam, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 được Bộ NN&PTNT tổ chức từ ngày 3-6/10 tại Khu Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nâng cao hiệu quả quảng bá nông sản Việt Nam tại châu Phi
Định vị thương hiệu để nông sản Việt đạt giá trị xuất khẩu cao trên thị trường
Tạo cơ hội để nông sản Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam
Nguyễn Đăng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động