Khủng hoảng khí đốt Nga - Ukraine ngày càng trầm trọng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDiễn biến này xảy ra sau khi cuộc đàm phán cuối cùng về khí đốt không thể giải quyết được tranh cãi xung quanh vấn đề giá cả giữa hai bên. Động thái mới của Nga đã đe dọa gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng cho châu Âu lần thứ ba chỉ trong vòng một thập niên.
Thông báo của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga nêu rõ, từ 13g chiều 16-6 theo giờ Hà Nội, tập đoàn này đã chuyển nội dung thanh toán trong hợp đồng khí đốt của Ukraine sang hình thức trả trước, đồng nghĩa với việc hoạt động vận chuyển khí đốt sang Ukraine sẽ ngừng lại vì Kiev chưa chuyển bất cứ khoản thanh toán trước nào cho phía Moscow. Tuy nhiên, Gazprom sẽ tiếp tục cung cấp đủ lượng khí đốt cho các khách hàng châu Âu theo các hợp đồng hiện tại và Cty dầu khí quốc gia Naftogaz của Ukraine phải đảm bảo khí đốt được trung chuyển qua nước này. Gazprom cũng cho biết đã gửi đơn kiện Tập đoàn Naftoga của Ukraine lên Tòa án trọng tài quốc tế ở Stockholm nhằm đòi khoản nợ 4,5 tỷ USD là tiền khí đốt mà Kiev mua của Moscow.
Nga đã thực sự sử dụng “vũ khí khí đốt” đối với Ukraine. Ảnh: TL
Quyết định trên của Gazprom được đưa ra trong bối cảnh Nga và Ukraine đã không đạt được thỏa thuận về việc thanh toán các khoản nợ khí đốt hiện nay của Kiev vào đúng thời hạn chót 16-6. Sau cuộc đàm phán thất bại nói trên, Nga tuyên bố sẽ không tổ chức bất cứ cuộc đàm phán khí đốt nào nếu Ukraine không thanh toán khoản nợ khí đốt hiện nay. Moscow cũng cảnh báo về khả năng thay đổi đường xuất khẩu khí đốt nếu Kiev tìm cách chặn nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu.
Trước những diễn biến trên, phương Tây đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ nguồn cung khí đốt sang châu Âu bị gián đoạn lần thứ 3 trong vòng 1 thập kỷ qua. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ngay lập tức đã lên tiếng hối thúc Moskva và Kiev nối lại đàm phán đề giải quyết vấn đề này. Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Tây Ban Nha, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đa kêu gọi 2 bên nỗ lực để có được sự thỏa hiệp. Trong khi đó, phát biểu từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã kêu gọi Nga nối lại đàm phán nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay.
Ukraine, một trong số những quốc gia yếu kém nhất về năng lượng tại châu Âu, luôn trong tình trạng không trả đủ số tiền năng lượng mua của Nga. Nga đã trao cho quốc gia láng giềng này nhiều thỏa thuận ưu đãi giảm giá năng lượng vì nhiều lý do chính trị, song Moscow đã chấm dứt những ưu đãi này kể từ ngày 1-4. Cuộc xung đột về khí đốt giữa Nga và Ukraine là một phần trong một vụ tranh cãi lớn hơn về việc liệu Ukraine sẽ đi theo Nga hay ngả theo EU, đồng thời xảy ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang rơi vào khủng hoảng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi tháng 3 vừa qua. Ngày 16-6, tân Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết ông sẽ đưa ra một kế hoạch hòa bình chi tiết trong tuần này, trong đó sẽ bao gồm một thỏa thuận ngừng bắn với những tay súng đòi li khai. Tuy nhiên, phát biểu trong một buổi họp của Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Tổng thống Petro Poroshenko nhấn mạnh rằng trước khi điều đó xảy ra, các lực lượng vũ trang phải giành được quyền kiểm soát khu vực biên giới Ukraine với Nga.
Trong khi đó, báo Độc lập của Nga ngày 16-6 cho biết người dân Ukraine bắt đầu lên án tân Tổng thống Petro Poroshenko thất bại trong các chiến dịch chống khủng bố và không ít người lo sợ về một "Maidan" tiếp theo. Báo này dẫn nhận định của giới chuyên gia về tình hình Ukraine những ngày này, cho rằng Tổng thống Poroshenko rất có thể đã trở thành con tin trước những cam kết nhanh chóng lập lại trật tự thông qua đàm phán hòa bình, vì thực tế đã không diễn ra như vậy. Báo này kết luận rằng ngày 15-6 là ngày chủ nhật thứ ba liên tiếp người dân tập trung tại Quảng trường Độc lập ở Kiev, khiến dư luận không khỏi lo ngại về nguy cơ lặp lại một phong trào Maidan mới tại Ukraine.
Minh Tâm
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại