Chủ nhật 05/05/2024 20:34
Bạo lực học đường trong trường quốc tế:

Không cho phụ huynh gặp học sinh đánh con mình là đúng hay sai?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Mỗi vụ việc bạo lực học đường xảy ra, dù ở bất kỳ loại hình trường học nào đều gây bức xúc lớn trong dư luận. Vụ việc mới nhất xảy ra tại trường Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA), TP HCM đang có rất nhiều luồng dư luận. Học sinh nào bị đánh, học sinh nào là người đánh còn chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, cách xử lý của phụ huynh, nhà trường càng khiến cho dư luận nóng hơn. Theo các chuyên gia, rất cần thiết một quy trình xử lý bạo lực học đường chuẩn xác để các bên nghiêm túc chấp hành.
Theo các chuyên gia, rất cần thiết một quy trình xử lý bạo lực học đường chuẩn xác để các bên nghiêm túc chấp hành
Theo các chuyên gia, rất cần thiết một quy trình xử lý bạo lực học đường chuẩn xác để các bên nghiêm túc chấp hành

Trường lúng túng, phụ huynh nóng vội

Mấy ngày vừa qua, cả mạng xã hội dậy sóng khi bà T.H.T đã livestream tố việc con gái mình bị đánh tại trường quốc tế ISHCMC - AA, bị thương tích và sang chấn tâm lý nặng nề. Tuy nhiên, theo phụ huynh này, khi đến làm việc, nhà trường lại không cho bà gặp nữ sinh bị tố đã hành hung con của mình và đẩy sự việc để hai bên gia đình tự giải quyết với nhau.

Ông Nathan Swenson - Hiệu trưởng Trường quốc tế ISHCMC-AA xác nhận vụ việc xảy ra vào chiều 26/5, sau giờ học, bên ngoài trường. Thời điểm đó, một trợ giảng bán thời gian của ISHCMC-AA thấy học sinh xô xát. Người này lập tức vào trường, gọi người ngăn cản. Hiệu trưởng đích thân ra, dẫn các em vào trường. Ông Nathan Swenson thông tin lúc ông gặp học sinh, một số em có vết bị cào, cấu. Vì vậy, ông cho các em đến phòng y tế trường để kiểm tra. Y tá xác định học sinh bị xước, không có vấn đề nghiêm trọng nên cho các em về.

Theo vị hiệu trưởng, nhà trường thực hiện theo quy trình xử lý, mời học sinh liên quan đến nói chuyện để tìm hiểu trước khi làm việc với gia đình các em nhằm giải quyết sự việc. Tuy nhiên, lúc họ mới bắt đầu trao đổi với học sinh, thì phụ huynh xuất hiện trong nhà trường, nói chuyện với bé học sinh đã đánh con của chị với thái độ giận dữ. Theo đúng quy định thì nhà trường sẽ không để tình trạng này xảy ra, vì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của học sinh.

Khi không nói chuyện được với học sinh kia, thì chị phụ huynh này đã giận dữ, livestream và không hợp tác với nhà trường. Sau đó, tất cả mọi người đã rời khỏi phòng, nên nhà trường chưa thể hoàn thành được việc nói chuyện với phụ huynh để tìm hiểu triệt để vấn đề.

Ngày 27/5, lãnh đạo nhà trường đã trích xuất toàn bộ các camera an ninh trong và ngoài trường để tìm hiểu toàn cảnh những gì đã xảy ra. Hiện nhà trường đã liên hệ với phụ huynh, để sắp xếp các cuộc hẹn, tiếp tục làm việc.

Hiện nhà trường cũng đã làm việc với Công an địa phương về vấn đề này, và phụ huynh cả hai bên cũng đã đến trình báo tại cơ quan công an.

ISHCMC-AA sẵn sàng cung cấp các đoạn camera có liên quan đến sự việc này đến Sở GD&ĐT TP HCM, cơ quan công an khi có yêu cầu. Cùng với việc đối chiếu với camera, và nói chuyện với các học sinh, lãnh đạo nhà trường thông tin, sẽ có 4 học sinh bị tạm đình chỉ việc học, trong đó 2 em sẽ bị đình chỉ 3 ngày, 1 em bị đình chỉ 2 ngày và 1 em bị đình chỉ 1 ngày. Lý do bị tạm đình chỉ được nhà trường đưa ra, là hai em bị đình chỉ 3 ngày vì gây gổ, đánh nhau. Một em bị đình chỉ 2 ngày là có liên quan đến đánh nhau và em còn lại đã có thái độ khiêu khích bạn.

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, trước hết cả cha mẹ và phụ huynh nên quan niệm rằng học sinh bắt nạt hay bị bắt nạt đều là những đứa trẻ vị thành niên. Những sự việc không hay xảy ra sẽ là cơ hội để giáo dục các em ấy trở nên tốt hơn. Phụ huynh cần tìm hiểu và nắm rõ quy trình xử lý các vụ việc bắt nạt học đường từ phía nhà trường để có tâm thế chủ động nếu chẳng may rơi vào những tình huống tương tự. Cần tôn trọng và tuân theo quy trình đó để các bên cùng nhau giải quyết theo hướng tích cực nhất, ở đó những đứa trẻ sẽ nhận được các bài học giá trị cho mình.

Chưa đưa ra quy trình giải quyết rõ ràng, khiến cho phụ huynh bức xúc

Ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP HCM nêu quan điểm cá nhân, nên nhìn một vụ việc bạo lực học đường về nhiều phía, nhiều mặt. Trong những sự việc như thế không nên phán xét những đứa trẻ mà cần quan tâm nhiều hơn đến cách quản lý các rủi ro trong trường học. Nếu có các bước quản lý tốt, phối hợp giữa cha mẹ và phụ huynh chặt chẽ, có hoạt động kết nối học sinh… các trường sẽ giảm thiểu những nguy cơ các vụ việc bạo lực học đường. Nếu quy trình quản lý rủi ro này không tốt, mâu thuẫn của hai học sinh có thể sẽ phát sinh thành mâu thuẫn giữa hai bên, hai phe, hai gia đình. Một trường dù công lập hay tư thục nếu có cách xử lý rủi ro hợp lý sẽ nhận được sự tin tưởng lớn hơn.

PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết sau khi sự kiện xảy ra, có thể bản thân phụ huynh đang trong trạng thái không bình tĩnh thì việc chưa cho gặp là câu chuyện bình thường. Để xử lý vụ việc cần phải đánh giá một số các nguy cơ, kể cả các học sinh là thủ phạm gây ra vụ bạo hành, các con vẫn có quyền được bảo vệ. Tuy nhiên trong sự việc nói trên, cách ứng xử của nhà trường chưa đủ tinh tế, chưa đưa ra quy trình giải quyết rõ ràng, khiến cho phụ huynh bức xúc.

Nhà trường phải có một quy trình xử lí và công bố điều đó ra để phụ huynh cùng đồng thuận. Về thông tin cụ thể thì nhà trường phải nói cho phụ huynh biết tại sao lại không cho gặp. Nhà trường không đưa ra giải thích gì cho hành động đó cả hoặc cách thức giải thích chưa làm thỏa mãn phụ huynh, vì vậy tạo nên một làn sóng dư luận không tích cực.

Cũng có không ít hiệu trưởng các trường THPT ở Hà Nội đồng tình về cách xử lí của nhà trường, nhà trường không cho gặp mặt riêng là đúng vì họ cần thời gian để tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc, khi xử lí thì phải mời phụ huynh hai bên đến. Hành động đó nhằm bảo vệ học sinh vì chưa rõ đầu đuôi câu chuyện như thế nào. Bởi khi có con bị đánh, nhiều phụ huynh không kìm chế được cảm xúc, có thể dẫn đến việc đánh lại bên kia. Như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu.

Trước đó, trả lời báo chí về nạn bạo lực học đường, GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, theo Điều 83 của Luật Giáo dục chỉ rõ quyền của người học “Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”. Như thế, học sinh nào đánh bạn, chủ động gây mất an toàn cho người khác thì đó là vi phạm luật pháp và phải xử lý. Với giáo viên, theo Điều 69 của Luật chỉ rõ, giáo viên phải “bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”.

Bởi vậy, việc đánh bạn, kéo bè kéo cánh, gây thương tích cho bạn thì đó là người phạm pháp. Cả các bậc phụ huynh và giáo viên phải hiểu rõ và thực hiện nghiêm các điều khoản của Luật, đồng thời phải nhắc nhở con em mình có trách nhiệm thực hiện đúng luật. Đối với những học sinh vi phạm, ông Phú cho rằng, nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì cho rằng, có thể thấy những học sinh đánh bạn không hiểu biết pháp luật, không ý thức được về việc làm sai và phải chịu trách nhiệm về việc làm sai của mình như thế nào. Lâu nay chúng ta mới nói đến kỹ năng nhưng chưa nói đến giá trị sống. Trong các nhà trường phổ thông, thầy, cô giáo không chỉ là người dạy kiến thức văn hóa mà cần là những nhà giáo dục. Để được như vậy, giáo viên phải được trang bị kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi. Cần sát sao, nắm bắt những biểu hiện khác lạ của học sinh và kịp thời can thiệp, chấn chỉnh. Cách xử lý không thấu đáo, không sáng suốt sẽ tiếp tục dung túng những hành vi sai phạm sau này.

Theo nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, vẫn cần có hình thức xử phạt nặng đối với hành vi đánh đập bạn để cảnh báo cho các học sinh khác biết suy nghĩ khi hành động và biết chịu trách nhiệm, trả giá cho hành động đó. Ngoài việc gia đình phải chịu phạt hành chính, bồi thường cho người bị hại, nên có hình thức để học sinh phải lao động công ích, hoặc một hình thức nào khác để học sinh đền bù cho việc làm sai trái bằng hành động thiết thực chứ không phải lời xin lỗi suông, còn người lớn thì đứng ra xin, bao che cho học sinh.

Thái Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động