Thứ năm 20/02/2025 20:27

Không chỉ người cao tuổi, người trẻ cũng đối mặt với nguy cơ biến chứng cúm mùa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian qua, Bệnh viện E ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện do cúm mùa với diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, không mắc bệnh nền.
Không chỉ người cao tuổi, người trẻ cũng đối mặt với nguy cơ biến chứng cúm mùa
Ảnh minh họa.

Cụ thể, người bệnh N.T.T (nữ, 73 tuổi, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao kéo dài, ho có đờm, đau họng và mệt mỏi. Trước đó, người bệnh xuất hiện triệu chứng cúm nhưng tự ý mua thuốc uống thay vì đi khám. Khi tình trạng nặng hơn, người bệnh đến Bệnh viện E và được chẩn đoán mắc cúm A bội nhiễm. Tại đây, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm và các biện pháp hỗ trợ như giảm ho, hạ sốt và bù nước điện giải.

Trường hợp khác là người bệnh N.N.P (nữ, 30 tuổi, Hà Nội), nhập viện với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau họng, ho có đờm, sổ mũi và đau mỏi người. Sau khi tự test cúm tại nhà và có kết quả dương tính, bệnh nhân tự dùng Tamiflu nhưng không cải thiện. Khi đến khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, người bệnh được chẩn đoán mắc cúm B bội nhiễm và được chỉ định điều trị bằng kháng sinh, kháng virus cúm cùng các biện pháp hỗ trợ khác. Trường hợp này cho thấy ngay cả người trẻ có tiền sử khỏe mạnh cũng không nên chủ quan với cúm.

Theo ThS.BS Đinh Thị Bích Thục - khoa Bệnh nhiệt đới, từ tháng 1/2025, khoa Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận khoảng 250 ca bệnh cúm. Sau Tết Nguyên đán 2025, số ca mắc cúm gia tăng, trung bình khoảng 10 bệnh nhân/ngày, có ngày cao điểm lên đến gần 40 người. Hiện khoa đang điều trị nội trú cho hơn 20 bệnh nhân mắc cúm các loại. Không chỉ người cao tuổi, trẻ nhỏ hay người có bệnh nền, ngay cả những người trẻ khỏe mạnh cũng có nguy cơ mắc bệnh và gặp biến chứng nếu chủ quan.

Cúm mùa là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, lây truyền qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Mặc dù nhiều trường hợp có thể tự hồi phục, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc cúm tại Việt Nam tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong dịp Tết Nguyên đán 2025 nhưng chưa có đột biến so với các năm trước. Các chủng virus cúm phổ biến gồm cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Thời tiết mùa Đông - Xuân với độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, cùng với nhu cầu đi lại và giao thương tăng cao cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Những người có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm khi mắc cúm bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi, đái tháo đường và nhân viên y tế.

Để phòng ngừa bệnh cúm mùa, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Bệnh viện E khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn vải, khăn tay hoặc ống tay áo để giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp; đeo khẩu trang tại nơi đông người và trên phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm; tiêm vaccine phòng bệnh; thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe.

Cứu sống nam thanh niên 22 tuổi bị giãn não thất sau lao màng não
Tổn thương não, nguy cơ tàn phế vĩnh viễn do lạm dụng bóng cười
Minh Nhật
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động