Thứ sáu 22/11/2024 09:11

“Khoác” tem mới có ngăn được rượu giả, rượu nhái?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Thông tư số 160/2013 của Bộ Tài chính sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3-2014. Theo đó, các mặt hàng rượu nhập khẩu sẽ phải dán tem rượu theo mẫu tem mới.


Đồng thời, những sản phẩm rượu sản xuất, đóng chai trong nước cũng phải dán đầy đủ tem trước khi đưa ra lưu thông ngoài thị trường.

Thông tư mới có hiệu lực

Dù chỉ còn 1 ngày nữa nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vẫn tỏ ra “lúng túng” trong việc thực hiện quy định. Phần lớn các DN cho rằng, việc liên hệ mua tem rượu cho những lô hàng đã nhập trước đó là rất khó bởi họ thường nhập theo container và đã tiêu thụ một phần trước khi có quy định về việc dán tem rượu đóng chai, sản xuất trong nước.

Ngay bản thân Tổng cục Hải quan cũng không xác định được chính xác lượng rượu mà DN đã bán. Do đó, họ không có cơ sở để xác định được chính xác lượng rượu mà DN còn lại nhưng chưa đóng chai. Trong khi đó, thời điểm bắt buộc phải dán tem rượu đã đến. Nhiều đơn vị kinh doanh đang “rục rịch” trả lại hàng cho DN để họ tự dán tem rồi mới nhập lại để bán.

Trước đó, thời gian có hiệu lực của thông tư đã được lùi lại một lần, từ ngày 1-1-2014 đến ngày 1-3-2014. Khi ấy, Tổng cục Thuế chưa kịp cung ứng tem rượu sản xuất, đóng chai trong nước. Còn Tổng cục Hải quan cũng chưa kịp chuẩn bị tem rượu nhập khẩu mới để cung ứng cho các đơn vị nhập khẩu rượu. Trong khi, đơn vị quản lý thị trường (QLTT) đã bắt đầu tiến hành kiểm tra các mặt hàng rượu được bày bán trên kệ và tiến hành xử phạt đối với những DN chưa thực hiện việc dán tem rượu mới.

Khảo sát trên thị trường, nhiều sản phẩm rượu được bày bán hiện nay vẫn chưa có tem mới. Anh Bùi Quốc Hùng, chủ cửa hàng rượu trên phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, cho biết, hiện cửa hàng đã “dỡ” những chai rượu không dán tem mới xuống để trả lại cho đơn vị phân phối để họ tự dán tem hoặc yêu cầu họ gửi tem mới cho các chai rượu này.

Đối với hệ thống siêu thị, nhiều sản phẩm rượu đã được nhập trước đây nhưng chưa tiêu thụ hết, họ yêu cầu đơn vị cung cấp bổ sung tem mới hợp lệ để dán rồi mới cho lên kệ. Những lô hàng nhập tiếp kể từ khi thông tư được ban hành đều phải dán tem mới đầy đủ trước khi nhập vào hệ thống siêu thị.


Những sản phẩm này sẽ phải dán tem mới được bày bán trên kệ. Ảnh: TL


Tốn thời gian nhưng vẫn phải làm

Các DN nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh rượu có lẽ là người “kêu” nhiều nhất về vấn đề dán tem bổ sung đối với những lô hàng đã xuất xưởng. Theo họ, việc thống kê lượng hàng tồn cũng như dán tem bổ sung rất tốn thời gian. Một số đơn vị đã tổ chức mời cơ quan QLTT đến xác nhận việc lập biên bản thống kê lượng hàng tồn. Sau đó dùng biên bản đó để mua tem mới dán lên rượu.

Vấn đề dán tem rượu tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại khá phức tạp bởi từ trước đến nay, việc quản lý và kiểm soát của chúng ta chưa thực sự được đồng bộ, dẫn đến tình trạng mỗi cơ quan quản lý nắm một số liệu khác nhau, thiếu đồng nhất.

Vì lẽ đó, việc triển khai thông tư 160/2013 là rất cần thiết và cần nhận được sự đồng thuận rất lớn của các cơ quan quản lý cũng như DN nhập khẩu, sản xuất và đóng chai rượu. Điều đó không những giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng rượu mà còn góp phần vào việc ngăn chặn tình trạng buôn bán tràn lan rượu giả, rượu nhái như hiện nay.

Luật sư Ngọc Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng, việc dán tem rượu mới là điều nên làm và phải áp dụng ngay bởi thời gian qua tình trạng rượu giả, rượu nhái xuất hiện trên thị trường quá nhiều, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng cần phải đồng bộ và có sự giám sát của nhiều cấp. Ví dụ như biên bản có xác nhận của quản lý thị trường chưa chắc đã “chuẩn” vì vẫn có thể có tiêu cực khi thực hiện.


Nguyễn Tuấn

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động