Thứ ba 26/11/2024 03:56

Khi làn dừng khẩn cấp bị… vô hiệu hóa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Câu chuyện các xe đi vào làn dừng khẩn cấp xảy ra như cơm bữa trên tuyến đường vành đai 3 khiến nhiều khi, làn dừng khẩn cấp này bị vô hiệu hóa. Và cho dù đường đang tắc nghẽn hay thông thoáng thì làn đường khẩn cấp trên con đường này chưa từng là một làn dừng khẩn cấp… đúng nghĩa.

Đi dọc tuyến đường vành đai 3, từ cầu Thanh Trì đến ngã tư Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khó có thể đếm xuể bao nhiêu chiếc xe đi vào làn đường khẩn cấp. Thậm chí, kể cả khi đường thông thoáng, các xe có thể vít ga đạp lên đúng vận tốc thì làn dừng khẩn cấp trên con đường này luôn được sử dụng để vượt các xe khác.

Khi làn dừng khẩn cấp bị… vô hiệu hóa
Một xe con đi vào làn khẩn cấp chỉ để vượt xe khác.

Có mặt trên tuyến đường vành đai vào lúc 4h chiều, chưa phải giờ cao điểm thế nhưng tuyến đường vành đai 3 đã có dấu hiệu “tăng nhiệt”. Chốc chốc lại có một chiếc xe con hoặc xe tải vụt qua xe của phóng viên bằng… làn khẩn cấp. Không chỉ vượt, các đoạn đường có vạch ưu tiên cũng được các xe… hồn nhiên chạy qua. Càng về gần cầu Thanh Trì, lượng xe lại càng đông, làn đường dừng khẩn cấp cũng dồn dập, đông đúc và các xe dần xếp hàng như 3 làn đường bên trong.

Khi làn dừng khẩn cấp bị… vô hiệu hóa
Biết vi phạm nhưng vẫn "hồn nhiên" phạm luật

Một chiếc xe cứu thương vội vã luồn lách giữa con đường không còn thông thoáng để vượt lên. Vốn đã không dễ dàng để sang được làn khẩn cấp, nhưng khi đến được “bến mơ”, chiếc xe cứu thương đành chấp nhận nhích từng bước bởi án ngữ trước mặt là một chiếc xe khách.

Khi làn dừng khẩn cấp bị… vô hiệu hóa
Chặn cả xe... cứu thương ở làn ưu tiên

Cũng không bao lâu sau, ngay đằng sau chiếc xe cứu thương, những xe con, xe tải, xe khách tiếp nối thành một hàng dài.

Không biết trên chiếc xe cứu thương đó có bệnh nhân nào cần di chuyển khấp cấp hay không, thế nhưng cho dù thế nào thì làn khẩn cấp trên con đường vành đai 3 lúc này đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa.

Là người di chuyển hàng ngày trên tuyến đường vành đai 3, anh Nguyễn Hồng (Gia Lâm) cho biết, tuyến đường anh đi sẽ bắt đầu từ đoạn giao cao tốc Hà Nội, Thái Nguyên. “Cả một đoạn đường dài bắt đầu từ điểm tôi hòa vào tuyến đường đến đường cắt xuống KĐT Linh Đàm, việc các xe đi vào làn khẩn cấp là chuyện “thường ngày của huyện”- anh nói.

Khi làn dừng khẩn cấp bị… vô hiệu hóa
Và các xe lần lượt nối đuôi xe cứu thương trong làn... khẩn cấp

Theo Sở GTVT Hà Nội, thiết kế mỗi chiều đường vành đai 3 trên cao có ba làn: Hai làn chính và một làn dừng đỗ khẩn cấp. Làn dừng đỗ khẩn cấp chỉ được sử dụng trong trường hợp xe hư hỏng đột xuất và xe ưu tiên như cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, cứu thương lưu thông trong tình huống khẩn cấp...

Đơn vị này cũng thừa nhận, việc các xe đi vào làn khẩn cấp trên con đường này diễn ra thường xuyên.

Ngày 8/5, trên tuyến đường cao tốc thuộc TP Hồ Chí Minh, một tài xế lái xe cứu thương đã ghi lại những hình ảnh xe đầu kéo, xe khách và cả xe cá nhân vô tư chạy vào làn dừng khẩn cấp. Chiếc xe cứu thương hú còi trong vô vọng trong khi đang chở bệnh nhân nguy kịch đi cấp cứu.

Trước đó, ngày 4/5, xảy ra vụ tai nạn xe chở dầu bốc cháy trên cao tốc. Nhiều xe chiếm dụng làn dừng khẩn cấp, khiến xe cứu hỏa rất khó khăn khi tiếp cận hiện trường. Lần khác, một người phụ nữ chạy bộ trên cao tốc kẹt cứng, vừa khóc vừa xin đường cho xe cấp cứu chở người thân.

Chưa có một thống kê nào cụ thể từ việc các xe lấn làn khẩn cấp gây khó khăn hoặc hậu quả nghiêm trọng do ngăn cản đường đi của xe cứu thương hay cứu hỏa. Nhưng chắc chắn, việc lấn làn làm vô hiệu đường khẩn cấp ắt gây nhiều hệ lụy.

Trên đường cao tốc, làn ngoài cùng bên phải thường hẹp hơn các làn khác, được tách biệt bằng vạch liền. Tác dụng của làn này là dừng khẩn cấp, dành cho các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại, không làm ảnh hưởng đến giao thông. Bên cạnh đó, những xe ưu tiên trong trường hợp khẩn cấp có thể chạy vào như cứu hỏa, cứu thương, công an...

Cụ thể, theo Điểm C, khoản 1, điều 26 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 quy định: “Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường”.

Còn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi điều khiển xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc, không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 đến 3 tháng.

Xe khách mang logo Sao Việt lấn làn vượt xe tải trên cao tốc Hà Nội- Lào Cai
Xe con, xe tải, xe khách đua nhau lấn làn đường khẩn cấp trên vành đai III
Xe khách lấn làn tông nam thanh niên đi xe máy tử vong
Xe tải lấn làn tông trực diện xe máy, 2 người tử vong
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động