Hướng tới phát huy tối đa tính hiệu quả của các công trình
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSố tiền đầu tư cho một hầm bộ hành không nhỏ, nhưng hiệu quả liệu có được như kỳ vọng? Ảnh: Duy Anh |
Bỏ ra cả trăm tỷ xây dựng 23 hầm bộ hành, hiệu quả có như mong đợi?
Vào giai đoạn năm 2007 - 2008, UBND TP Hà Nội đã chính thức đưa vào sử dụng 23 hầm đi bộ với mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ và xe đạp khi băng qua những nút giao thông trọng điểm trong TP, đồng thời cũng để giảm nguy cơ ùn tắc giao thông và tránh các va chạm với các phương tiện cơ giới khác.
23 hầm đi bộ được đưa vào sử dụng bao gồm: đường Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ; nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ; ở nội thành có 2 hầm đi bộ là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt. Theo một số báo cáo thống kê, chi phí xây dựng mỗi hầm đi bộ dao động trong khoảng từ 3 đến 7 tỉ đồng, ước tính toàn bộ 23 hầm đi bộ này có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.
Số tiền bỏ ra đầu tư xây dựng những hầm bộ hành tại Hà Nội này lớn là vậy, nhưng hiệu quả thực tế mang lại cho người dân liệu có xứng đáng? Để tìm lời giải cho câu hỏi này, tôi đã khảo sát một số địa điểm hầm bộ hành trên địa bàn.
Ghi nhận vào khoảng 15h20 tại hầm bộ hành đoạn trước cửa Viện Kiểm định Quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế nằm trong phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, tình trạng tại căn hầm này khá sạch sẽ, sáng sủa, không có dấu hiệu hư hại về vật chất, tuy nhiên, thời điểm này khá thưa thớt người qua lại. Trong khoảng 15 phút có mặt tại đây, tôi chỉ gặp được số người “đếm trên đầu ngón tay” qua đường sử dụng hầm bộ hành, phần lớn là người lớn tuổi với chung lý do “bất đắc dĩ” phải sử dụng hầm bộ hành do đã có tuổi, không nhanh nhẹn để băng trực tiếp qua đường lớn với nhiều phương tiện di chuyển chuyển tốc độ cao qua lại.
Chỉ ít phút sau, tôi bắt gặp anh Đ.G.L (31 tuổi, làm tại một Cty trên phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) đang băng qua đường trực tiếp mà không sử dụng hầm bộ hành. Khi được hỏi tại sao lại không lựa chọn di chuyển qua hầm bộ hành vừa an toàn, cũng không mất nhiều thời gian hơn, anh L không ngần ngại chia sẻ: “Mình biết là có công trình hầm bộ hành ở gần đây, cũng hiểu đi là đi qua hầm bộ hành sẽ an toàn hơn nhưng cảm thấy đi qua đường nhanh hơn nhiều. Với cả mình cũng đi kiểu kia (qua đường trực tiếp – PV) rồi nên không cảm thấy nguy hiểm gì”.
Sau đó, tôi tiếp tục di chuyển đến vị trí hầm bộ hành tại khu vực Ngã Tư Sở. Tại đây, cảm nhận ban đầu của tôi về khu vực này vẫn là khá sạch sẽ, do phục vụ giao thông tại khu vực ngã tư nên mạng lưới hầm bộ hành tại khu vực Ngã Tư Sở cũng rộng rãi và phức tạp hơn. Hầm bộ hành ở đây cũng được thiết kế để tiện lợi phục vụ cho cả người xe đạp đi dưới hầm. Tuy nhiên, lượng người sử dụng hầm bộ hành để phục vụ mục đích giao thông tại đây vẫn còn khá ít, phần lớn người dân xung quanh đang sử dụng nơi đây vào mục đích tập thể dục là chính.
Một số người có tuổi được hỏi cho rằng bất đắc dĩ lựa chọn qua hầm bộ hành vì sợ phải băng qua đường lớn có nhiều phương tiện di chuyển với tốc độ cao Ảnh: Duy Anh |
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Yến Thanh (36 tuổi, trú tại phường Quang Trung, quận Đống Đa) cho biết: “Mình hay đưa các cháu ra đây (hầm bộ hành Ngã Tư Sở - PV) để tập đi xe đạp vào buổi chiều, do vào thời gian đấy ở đây khá vắng vẻ, lại rộng rãi nữa. Trong lúc các con tập xe đạp, mình cũng tranh thủ đi bộ tập thể dục luôn. Mà không chỉ có tôi, nhiều người khác cũng đang sử dụng hầm bộ hành như vậy”.
Chị Thanh cũng cho biết thêm chị vẫn thường sử dụng hầm bộ hành mỗi khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, chị sẽ tránh đi vào buổi tối do cảm thấy không an toàn. Chị chia sẻ: “Đợt trước có một lần đi qua hầm bộ hành một mình vào buổi tối, mình bị mấy thanh niên trêu, cũng may không xảy ra chuyện gì. Bên cạnh đấy, đọc thông tin trên báo, đài thấy một số hầm bộ hành là nơi các đối tượng nghiện ngập tụ tập, từ những chuyện đó nên mình cũng thấy sợ, không dám đi vào buổi tối”.
“Chỉ mong sớm có hầm hoặc cầu bộ hành để bố mẹ đi lại cho yên tâm”
Trước đó, trong khoảng thời gian gần một thập kỷ kể từ thời điểm hầm bộ hành tại Hà Nội được đưa vào hoạt động, các công trình này thường xuyên bị chê là “không phát huy được hết tác dụng”, “xuống cấp thậm tệ”, “lãng phí”, “không được nhiều người sử dụng”,... Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng hầm bộ hành đang dần được cải thiện về chất lượng và được người dân dần đón nhận hơn.
Chị Nguyễn Trà My (32 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trước kia từng nghĩ việc xây dựng các hầm đường bộ là lãng phí vì chả ai cần dùng đâu, thế mà không ngờ cũng có ngày bản thân chị chỉ mong ở khu vực gần nhà mình sớm có hầm hoặc cầu bộ hành.
Chị My cho hay: “Gia đình mình đang sinh sống dưới trục đường Vành đai 2 đoạn qua Minh Khai. Trước kia, chưa mở đường, việc qua đường để đi chợ, mua bán cái này cái kia hay thăm bạn bè, họ hàng ở bên đối diện cũng không gặp nhiều khó khăn. Nhưng mà từ ngày mở đường, đường to rộng gấp mấy lần, xe cộ qua lại cũng tấp nập hơn. Ba mẹ mình lại có tuổi rồi, không nhanh nhẹn như ngày xưa nữa nên mỗi lần hai ông bà đi đâu là lại thấy lo lắm. Chỉ mong sớm có hầm hoặc cầu bộ hành để bố mẹ đi lại cho yên tâm”.
Người dân ở những nơi chưa có hầm bộ hành vẫn mong các cơ quan chức năng sớm có phương án để khỏi phải thấp thỏm băng qua đường Ảnh: Duy Anh |
Theo mô tả của chị My, việc qua đường của người đi bộ tại tuyến đường này sau khi mở ra khó khăn hơn một chút. Nếu muốn qua đường theo đúng chỗ quy định dành cho người đi bộ thì phải đi bộ rất xa, nhiều người tiếc công đi một chút nên cứ thế băng qua đường theo thói quen cũ, rất nguy hiểm. Chị cũng cho hay từ ngày mở đường, tốc độ các phương tiện cũng đi nhanh hơn hẳn nên càng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho người qua đường.
Chắc chắn không sớm thì muộn, các cơ quan chức năng sẽ có những phương án để đảm bảo việc tham gia giao thông của người dân được an toàn. Bên cạnh đấy, đi đôi với việc mở rộng, xây mới những công trình này thì việc đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực, tránh tình trạng “đắp chiếu” rất cần được chú trọng quan tâm. Đồng thời cũng cần tăng cường tuyên truyền về lợi ích, nâng cao ý thức của người giam gia giao thông trong việc sử dụng các công trình hầm và cầu bộ hành, có như vậy thì mới phát huy tối đa tính hiệu quả của các công trình này.
Giải pháp góp phần thay đổi bộ mặt đô thị | |
Đi bộ qua đường không đúng quy định: Cách nào giúp người đi bộ bỏ thói quen tùy tiện? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại