Thứ sáu 29/03/2024 22:54

Đi bộ qua đường không đúng quy định: Cách nào giúp người đi bộ bỏ thói quen tùy tiện?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đi bộ qua đường không đúng quy định đã và đang là thói quen thường ngày của nhiều người. Điều này không chỉ vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Nhiều người đi bộ bất chấp băng qua đường bằng các “kĩ năng” trèo qua các rào chắn, dải phân cách mặc dù đoạn đường có cầu, hầm đi bộ
Nhiều người đi bộ bất chấp băng qua đường bằng các “kĩ năng” trèo qua các rào chắn, dải phân cách mặc dù đoạn đường có cầu, hầm đi bộ.

Thói quen khó bỏ

Mới đây, ngày 18/2, tại đường Trần Hưng Đạo giao với Trần Đình Xu, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM, anh N.V.V đã bị CSGT lập biên bản để xử phạt hành vi đi bộ sang đường không đúng quy định. Cũng tại địa điểm trên, chị H.T.B.P. cũng có hành vi vi phạm tương tự, đã bị CSGT phát hiện lập biên bản.

Được biết, Điều 260, BLHS năm 2015 đã mở rộng chủ thể của hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ là “Người tham gia giao thông”, tức là bao gồm cả người đi bộ. Thay vì chỉ “người điều khiển phương tiện giao thông” như BLHS năm 1999.

Luật có quy định nhưng vi phạm thì nhan nhản như việc băng cắt qua đường, bất chấp các loại phương tiện, bất chấp các loại đèn biển báo. Thậm chí, có cả những trường hợp đi bộ vào đường cao tốc...

Anh Nguyễn Thành Nam, một tài xế lái xe tải cho biết: “Xe đang chạy trên đường theo làn đường quy định nhưng nhiều người cứ chạy băng qua đường như chỗ không người. Lái xe trên đường qua những đoạn này lúc nào tôi cũng lo lắng sợ xảy ra tai nạn. Tôi nghĩ mọi người cần ý thức, đi đúng quy định để đảm bảo an toàn”.

Đi bộ băng ngang đường, thậm chí ngay dưới chân cầu dành cho người đi bộ... một tình trạng rất phổ biến nhưng hầu như không bị phạt
Đi bộ băng ngang đường, thậm chí ngay dưới chân cầu dành cho người đi bộ... một tình trạng rất phổ biến nhưng hầu như không bị phạt

Không chỉ băng ngang qua đường, rất nhiều người đi bộ còn băng qua cả dải phân cách, giẫm lên cây cảnh để qua đường. Điển hình như trên tuyến đường có xe qua lại đông đúc như đường Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt... dù có nhiều vạch sơn dành cho người đi bộ, nhưng người dân sống hai bên đường vẫn chọn cách di chuyển băng qua dải phân cách để qua đường. Điều này không chỉ nguy hiểm cho bản thân người tự tiện băng qua dải phân cách mà còn trở thành nỗi ám ảnh của nhiều lái xe khi điều khiển phương tiện trên đường.

Biện minh cho hành vi của mình, phần lớn người đi bộ đưa ra lý do là nút giao thông, cầu vượt hoặc hầm dành cho người đi bộ cách xa điểm cần đến,... nên đi như vậy nhanh và tiện hơn. Ở nhiều điểm trung chuyển xe buýt, nơi lưu lượng người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông lớn, những lúc xe quá đông, nhiều người đi bộ tụ lại thành nhóm để sang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn.

Những hành vi vi phạm trên diễn ra phổ biến, tràn lan, không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất TTATGT, mà còn đe dọa đến tính mạng của chính người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác. Tuy nhiên, việc xử lý người đi bộ vi phạm hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, kết quả còn thấp dẫn đến hiện tượng “nhờn luật” và trở thành thói quen khó bỏ của người đi bộ.

Cần có chính sách pháp luật “cứng rắn” hơn

Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm Luật Giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng các quy định này vào thực tiễn sẽ không đơn giản.

Theo lý giải của vị chuyên gia này, trong trường hợp người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi vi phạm đã quá rõ ràng, không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, nếu người đi bộ liên quan đến TNGT ở đường hỗn hợp, có nhiều phương tiện cùng tham gia vào thời điểm xảy ra tai nạn thì việc xác định lỗi của ai là điều không hề đơn giản.

Có vạch kẻ làn ưu tiên cho người đi bộ nhưng người qua đường vẫn phớt lờ
Có vạch kẻ làn ưu tiên cho người đi bộ nhưng người qua đường vẫn phớt lờ.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần không có. Tại các khu vực đông dân cư, gần các trường ĐH, trung tâm thương mại, cầu vượt, điểm mở dành cho người đi bộ qua đường còn quá ít, không bảo đảm khoảng cách, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Để bảo đảm điều kiện thuận lợi và an toàn cho người đi bộ, hiện nay ngành GTVT đã lắp đặt các biển báo chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông khá đầy đủ trên hầu hết các tuyến đường, các nút giao thông cho người đi bộ. Tại các TP, thị xã, quốc lộ có lưu lượng giao thông lớn đã xây dựng cầu vượt, hầm chui dành cho người đi bộ sang đường. Vỉa hè được sửa sang, lát gạch chống trơn, thuận tiện cho người đi bộ.

Đặc biệt, để hạn chế các nguyên nhân gây mất TTATGT và giảm TNGT liên quan đến người đi bộ, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo. Các hoạt động tuyên truyền cần hướng vào việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông đường bộ và kỹ năng tham gia giao thông cho người đi bộ; cảnh báo các nguy cơ gây TNGT và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ. Song song với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ thì xử phạt nghiêm vi phạm hành chính là một trong các hình thức quan trọng để nâng cao ý thức của người đi bộ.

Lực lượng chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại những điểm tập trung đông người đi bộ, cầu vượt, các trường học, điểm vạch kẻ sang đường; nhắc nhở người đi bộ đi đúng nơi quy định và xử phạt những hành vi cố tình vi phạm. Cần cương quyết trong việc xử lý vi phạm, dù mức phạt có thể còn thấp, dù có thể mất nhiều thời gian.

Đối với người đi bộ vi phạm khi bị lập biên bản vi phạm hành chính mà không mang theo giấy chứng minh nhân dân, không mang theo tiền nộp phạt, thì người lập biên bản vi phạm ngoài việc lập biên bản theo thủ tục chung, cần chụp ảnh, lấy dấu vân tay người vi phạm và hẹn ngày đến CQCA xuất trình phiếu thu đã nộp phạt tại Kho bạc Nhà nước.

Nếu người vi phạm khai tên tuổi, địa chỉ không đúng, không thực hiện việc nộp phạt, thì qua hình ảnh và dấu vân tay, CQCA có thể xác minh được nhân thân và địa chỉ người vi phạm để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Ghi hình xử phạt “nguội” sẽ được nhân dân đồng thuận cao và tác động tích cực nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường bộ của nhân dân, giảm đáng kể các vụ TNGT do người đi bộ gây ra.

Luật sư Đinh Thị Nguyên viện dẫn, tại Thái Lan, có những đoạn đường được sơn chữ to để người đi bộ dễ quan sát. Những ai đi qua đường không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền khoảng 200USD (khoảng 4,7 triệu đồng). Còn tại các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật, có nhiều đoạn đường người đi bộ không dám băng qua. Vì nếu chẳng may bị tai nạn thì người đó không những không được bồi thường mà ngược lại phải bồi thường cho người điều khiển phương tiện giao thông.
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động