Chủ nhật 19/05/2024 22:59

Để hầm đi bộ ở Hà Nội phát huy tốt công năng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các công trình hầm dành cho người đi bộ tại địa bàn Hà Nội được đầu tư hàng tỷ đồng, xây dựng nhằm giúp đảm bảo an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, thực tế đang còn không ít những công trình ít người sử dụng, thậm chí là bỏ không…
Hầm đi bộ chưa thu hút được nhiều người dân sử dụng Ảnh: Thanh Tuấn
Hầm đi bộ chưa thu hút được nhiều người dân sử dụng. Ảnh: Thanh Tuấn

Nhiều hầm đi bộ bị thờ ơ

Cùng với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, để bảo đảm an toàn cho người đi bộ sang đường, việc thiết kế, xây dựng các hầm bộ hành thường được làm đồng bộ với các dự án hạ tầng giao thông. Đặc biệt, ở những khu vực có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại lớn, rất nhiều hầm bộ hành đã được xây dựng và đưa vào sử dụng. Điển hình như, trên đường Phạm Hùng có 6 hầm, trên đường Khuất Duy Tiến có 5 hầm, 13 hầm trên đường Lý Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa...

Sau hơn 10 năm được đưa vào sử dụng, các hầm đi bộ trên địa bàn thành phố đã bước đầu giúp cho người dân an toàn khi muốn sang đường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hầm đi bộ chưa phát huy hiệu quả, lượng người đi bộ dưới hầm đi bộ hàng tỷ đồng rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người, gây lãng phí không nhỏ.

Hầm đi bộ Ngã Tư Sở ở khu vực giao nhau của các đường: Tây Sơn, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Láng - khu vực luôn đông đúc, dày đặc người, xe lưu thông cả ngày. Vậy nhưng, dưới hầm đi bộ, theo ghi nhận ngày 3/9, chỉ lác đác vài người tập thể dục; trong khi đó, trên mặt đường, nhiều người đi bộ vẫn cắt ngang dòng phương tiện lưu thông để sang đường. Tương tự, dù người đi bộ sang đường khá tấp nập ở khu vực Bến xe Mỹ Đình lúc 12h ngày 3/9, thì trong hầm đi bộ ở đường Phạm Hùng cũng chỉ có một vài người.

Những năm gần đây, các đơn vị quản lí đã tích cực thay đổi diện mạo của hầm đi bộ, khi trang bị nhiều biển chỉ dẫn đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24.

Việc này đã phần nào thay đổi hình thức, giúp hầm đi bộ trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân. Tuy nhiên, để hầm đi bộ thực sự trở nên hữu ích, thu hút được người dân thì có lẽ, đơn vị quản lí cần thay đổi nhiều hơn thế.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, hiện nay, người dân vẫn giữ tâm lý ngại đi, tiết kiệm thời gian khiến hầm đi bộ không phát huy được hết công năng. Ông Liên cho rằng, dù được tính toán, nghiên cứu kỹ, song tiện ích của hầm đi bộ vẫn chưa đủ hấp dẫn người dân. Khi việc thiết kế hầm chưa tối ưu, độ dốc của các bậc cầu thang chưa thực sự phù hợp với người già, trẻ nhỏ, nhiều ngã ba, ngã tư dưới hầm dễ khiến người dân khó khăn trong di chuyển.

Đối với vị trí hầm cần thiết kế lối lên xuống gần với đường bộ, tránh trường hợp người dân phải đi lòng vòng mới có để di chuyển xuống hầm. Đồng thời, vị chuyên gia đề xuất cần tích hợp nhiều tiện ích cho hầm đi bộ như: đặt điểm chờ xe buýt gần lối lên xuống hầm, có vạch kẻ đường cho người đi bộ, đèn tín hiệu để đảm bảo an toàn, hệ thống thông tin liên lạc.

Theo ông Liên, chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền, động viên người dân sử dụng hầm đi bộ để tránh lãng phí hàng tỉ đồng xây dựng hầm đi bộ của Nhà nước. “Hiện nay, hầm đi bộ đã khang trang, sạch sẽ trở nên thân thiện trong mắt người dân. Dù vậy theo tôi nên có người quản lý hầm đi bộ để đảm bảo an toàn cho người dân vào thời điểm hầm vắng vẻ”, ông Liên nói.

Để hầm đi bộ không bị "lãng quên"

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, chủ trương xây hầm hay cầu vượt là đúng đắn để người đi bộ, đi xe đạp sang đường an toàn, trong bối cảnh các xa lộ, đại lộ dành cho xe cơ giới ngày một xuất hiện nhiều. Các hầm đi bộ mà Hà Nội xây dựng có hiệu quả nhất định, nhưng tỉ lệ chỉ khoảng 1/3.

Các hầm ở xa lộ nếu chưa có dân cư đông và nhu cầu chưa cao, cần quản lý chặt, cần thiết thì đóng cửa để bảo vệ hạ tầng, tránh xuống cấp, lãng phí công sản. Khi đô thị hóa tới khu vực đó, chỉ cần chỉnh trang là có thể sử dụng vì đã có sẵn hạ tầng. Còn với các tuyến đường nội đô, Hà Nội vẫn nên đầu tư thêm các hầm đi bộ.

Các chuyên gia đều nhất trí quan điểm, việc quản lý, bảo vệ và khai thác hầm cần gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và đơn vị được giao. Thực tiễn sử dụng hàng chục hầm, cầu vượt bộ hành trong thời gian qua cũng nên được thành phố Hà Nội tổng kết, đánh giá để việc đầu tư trong tương lai sẽ có hiệu quả cao hơn.

Nhìn vào hệ thống hầm tại nút giao Kim Liên, có thể thấy, việc thay đổi “giao diện” đã giúp hầm trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân. Nhưng để hầm đi bộ thực sự trở nên hấp dẫn, phá tan được định kiến trong suy nghĩ của khách bộ hành, thì có lẽ, các đơn vị quản lý cần làm nhiều hơn thế.

Hà Nội đang hướng tới một hệ thống giao thông thân thiện với người đi xe đạp, người đi bộ. Điều này không thể chỉ hiện thực hóa thông qua những công trình lớn, tầm cỡ, mà còn phải thực sự được tinh chỉnh thông qua những chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn với người sử dụng.

Chẳng hạn, độ dốc của các bậc cầu thang cần tính đến sự phù hợp với trẻ nhỏ, người già, người dắt xe, thậm chí có cầu thang cuốn cho người khuyết tật, xe đẩy trẻ em.

Có lẽ, định kiến của người đi bộ với hầm bộ hành, hạ tầng vốn được thiết kế dành riêng cho họ, nên được giải quyết từ góc độ thị trường. Người đi bộ nên được coi là một chủ thể, một khách hàng được phục vụ. Để thay đổi thói quen cố hữu, họ cần được tiếp thị, được khuyến khích và được hướng dẫn tận tình hơn nữa.

TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, để hầm đi bộ không bị "lãng quên" thì cần tạo thói quen cho người dân sử dụng hầm. Theo ông Tạo, những nơi được xây dựng hầm đi bộ đa phần là tuyến đường có mặt cắt lớn, mật độ phương tiện giao thông đông đúc nên việc người dân băng qua đường thay vì sử dụng hầm đi bộ là rất nguy hiểm.
Hướng tới phát huy tối đa tính hiệu quả của các công trình
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động