Hưởng lợi, nếu Việt Nam được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi!?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrên thế giới, việc nâng hạng thị trường chứng khoán hiện đang được một số tổ chức xếp hạng và đánh giá thông qua các bộ chỉ số |
Vẫn ở nhóm TTCK cận biên
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), hiện tại hai tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán (TTCK) quan trọng nhất là MSCI và FTSE Russel vẫn đang phân loại Việt Nam ở nhóm TTCK cận biên. Trong đó, riêng FTSE Russell đã xếp Việt Nam trong danh sách chờ xem xét nâng hạng lên mới nổi loại II.
Một số chuyên gia chỉ ra rằng, việc nâng hạng thị trường còn đang gặp một số vướng mắc như: Độ mở thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số ngành có điều kiện, Cty đại chúng chưa công bố thông tin song ngữ, hiện hầu hết mới chỉ sử dụng tiếng Việt để công bố thông tin, điều này ảnh hưởng nhiều tới quyền lợi nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là việc thiếu mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, đăng ký mở tài khoản còn cần sự chấp thuận của VSD, thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền.
Trong kịch bản lạc quan, VNDirect hy vọng rằng FTSE có thể thông báo đưa TTCK Việt Nam vào nhóm thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá thị trường hàng năm vào tháng 9/2022. Theo xếp loại gần đây nhất của hai tổ chức MSCI và FTSE Russell vào năm 2021, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chịu sự tác động của đại dịch Covid-19, cả hai tổ chức này đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian vừa qua trong việc thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường.
Việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng trên như MSCI, hay FTSE Russell đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này.
Cần khắc phục để đáp ứng tiêu chí
Theo thông báo của tổ chức FTSE Russell vào tháng 4/2022, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách tiềm năng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. FTSE Russell đã nhận thấy UBCKNN đã có nhiều cuộc đối thoại với các thành viên thị trường và có các sáng kiến để cải thiện khung pháp lý, cũng như thực tiễn thanh toán. Tổ chức này cho rằng, các hoạt động trao đổi với các thành viên thị trường sẽ là các hoạt động quan trọng tiếp theo, bao gồm thu thập ý kiến và ra quyết định về các quy trình triển khai thực tiễn, cùng với các yêu cầu về vai trò và trách nhiệm của các bên nhằm đáp ứng các yêu cầu pháp lý mới.
Trong kết quả rà soát 2021 của MSCI, tổ chức này cũng đã tiếp tục nhận định nhiều DN Việt Nam vẫn phải đáp ứng các giới hạn sở hữu nước ngoài; vẫn có các yêu cầu về đảm bảo tiền và chứng khoán trước khi giao dịch; thông tin liên quan đến DN không phải lúc nào cũng sẵn có bằng tiếng Anh; thủ tục đăng ký tài khoản chứng khoán là bắt buộc và phải có sự phê duyệt của Trung tâm Lưu ký chứng khoán và Việt Nam không có thị trường tiền tệ ở nước ngoài, trong khi thị trường tiền tệ ở trong nước còn nhiều hạn chế như giao dịch ngoại hối phải được liên kết với TTCK.
Lãnh đạo UBCKNN cho biết thêm, thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ phát triển, đa dạng hóa và gia tăng chất lượng các sản phẩm trên TTCK để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và cơ sở hạ tầng liên quan như: phát triển và đa dạng các sản phẩm phái sinh, đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; tăng cường quản trị Cty, công bố thông tin về môi trường - xã hội - quản trị (ESG) để gia tăng chất lượng cổ phiếu; nghiên cứu phát triển các sản phẩm liên quan đến nội dung xanh và phát triển bền vững.
Theo ông Trần Hải Hà - TGĐ CTCK MB (MBS), về việc nâng hạng tại thời điểm này có hai tiêu chí, nhóm tiêu chí định lượng và nhóm tiêu chí định tính. Thực tiễn là về mặt tiêu chí định lượng thì những chỉ tiêu về quy mô và chỉ tiêu về thanh khoản chúng ta đang nằm trong top đầu của ASEAN. Thanh khoản trong bốn tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã vượt Singapore đứng vị trí thứ hai và chỉ sau Thái Lan. Vấn đề thứ hai, phải có ít nhất ba Cty đáp ứng các chỉ tiêu về quy mô và thanh khoản như vốn hóa, giá trị cổ phiếu giao dịch, chỉ tiêu về tỷ lệ giao dịch bình quân, chúng ta đều đã đáp ứng. Nhưng các nhóm chỉ tiêu về định tính, chúng ta đang gặp khó khăn về những chỉ tiêu này.
Đây là những chỉ tiêu nhiều Bộ, ngành vào cuộc dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ giải quyết được. Còn về khía cạnh kỹ thuật chung của thị trường thì còn ba vấn đề lớn nữa mà chúng ta sẽ phải đối mặt. Đầu tiên là vấn đề về giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và về vấn đề này thì sẽ có những sản phẩm khác mà có thể giải quyết được câu chuyện tỷ lệ nhà đầu tư ngoài như sản phẩm về cổ phiếu không có quyền biểu quyết hay chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Vấn đề thứ hai, chúng ta có thể nhìn thấy câu chuyện liên quan giải pháp về Pre-Funding của nhà đầu tư nước ngoài, đó là có thể mua và bán chứng khoán khi mà không có tiền trong tài khoản. Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm hiện tại muốn giao dịch phải có 100% tiền trong tài khoản. Nếu trong thời gian tới Trung tâm Lưu ký chứng khoán có thể hạ tỷ lệ ký quỹ đang là 100% về từ 20% đến 30% tôi nghĩ có thể kích thích được vấn đề thanh khoản và giải quyết được vấn đề này. Vấn đề thứ ba về tài khoản tổng cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch bằng các tài khoản ẩn danh khác nhau. Việt Nam cần phải đối mặt với các vấn đề đó để giải quyết để câu chuyện nâng hạng diễn ra một cách nhanh hơn.
“Đứng dưới quan điểm của người làm nghề chứng khoán tôi cho rằng chúng ta sẽ có thể nâng hạng được sau hơn hai năm nữa. Quy mô thị trường sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với mức độ thanh khoản như hiện nay. Sau khi nâng hạng chúng ta sẽ đứng trong top đầu, ít nhất là trong ba nước đứng đầu của ASEAN” - ông Trần Hải Hà cho hay.
Về khuôn khổ pháp lý, Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường, bao gồm: Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn đầu tư; tiếp cận thông tin; đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán trên thị trường chứng khoán; tăng cường đưa vào thị trường các công cụ tài chính mới để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư. |
Sẽ chủ động, có phương án đảm bảo cho thị trường chứng khoán vận hành liên tục, ổn định | |
Giải pháp ổn định thị trường chứng khoán | |
Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc trong tháng 6? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại