Hơn 90% người dân Thủ đô ủng hộ lộ trình ngừng lưu thông xe máy
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXe máy, ô tô chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường
Theo ông Vũ Văn Viện, GĐ Sở GTVT Hà Nội, kết cấu hạ tầng giao thông TP Hà Nội đã được quy hoạch và tập trung nguồn lực đầu tư mạnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên giai đoạn 2011-2016 tốc độ tăng trưởng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích đường đô thị là 0,25%/năm. Trong khi đó phương tiện giao thông đường bộ tăng lên quá nhanh trên địa bàn TP có khoảng 5.255.245 xe máy, 485.955 ô tô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông), tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm.
Với số lượng phương tiện trên, nếu tính hệ số đồng thời hoạt động là 60% sô ô tô, xe máy lưu thông trên đường đô thị với vận tốc 20 km/h thì diện tích chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Vì vậy, ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô và các cửa ngõ P Hà Nội ngày càng diễn ra nghiêm trọng trong giờ cao điểm và ngày lễ, Tết.
Bên cạnh đó, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP Hà Nội diễn biên phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiêm không khí có xu hướng tăng. Hoạt động GTVT cơ giới đường bộ được xác định chiếm 70% trong các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
“Sự gia tăng của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì trong tương lai, tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ trở nên nghiêm trọng. Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy thì đến đến năm 2020 sẽ có 843.042 ô tô; 6.099.273 xe mô tô, gắn máy. Đến năm 2030 số ô tô là 1.954.738; xe mô tô, gắn máy là 7.506.430”, ông Viện nhấn mạnh.
Trong khi đó, việc quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ còn nhiều bất cập như: Quản lý phát triển về số lượng phương tiện mới chỉ có quy định đối với xe taxi, các loại xe còn lại chưa có quy định quản lý cụ thể; quản lý chất lượng xe ô tô các loại đã có quy định kiểm định chất lượng theo hệ thống đăng kiểm và Quy chuẩn về đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, được đăng kiểm theo thời hạn quy định. Xe mô tô, xe gắn máy các loại chỉ có kiểm định về đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi đưa vào lưu hành, chưa có quy định kiểm soát và điều kiện thu hồi trong quá trình lưu hành...; các biện pháp thuế, phí, lệ phí chưa đủ mạnh để tác động đến sự phát triển số lượng và hoạt động của các loại phương tiện giao thông đường bộ. Việc điều tiết, cấm hoạt động đối với một số loại phương tiện giao thông còn ở phạm vi hẹp như việc cấm ô tô, taxi đi vào giờ cao điểm ở một số tuyến đường…
Ngừng lưu thông xe máy tại các quận vào năm 2030
Ông Viện cho biết, để xây dựng NQ, ban soạn thảo đã tiến hành hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân trên địa bàn. Công tác điều tra khảo sát phỏng vấn hộ gia đình được UBND TP chỉ đạo CATP thực hiện lấy phiếu khảo sát, điều tra phỏng vấn xã hội học. Số lượng là 15.337 phiếu, phạm vi tại 30 quận, huyện theo hình thức phát phiếu điều tra tới từng hộ gia đình; đối tượng điều tra là các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn TP.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ ủng hộ chính sách tăng cường quản lý, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cá nhân của người dân TP Hà Nội là 84%, trong khu vực vành đai 3 là 85,13%; số người ủng hộ hạn chế phương tiện cá nhân và lộ trình dừng hoạt động xe máy là 90,35% nhưng yêu cầu phải có những điều kiện như: Hoạt động vận tải hành khách công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân...
Bên cạnh đó, có 71,76% số người được lấy ý kiến ủng hộ việc điều chỉnh giờ học, giờ làm đế giảm ùn tắc giao thông; trong đó khu vực vành đai 3 có số người được lấy ý kiến ủng hộ là 67,14%.
Theo lộ trình thực thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc được HĐND TP thông qua, giai đoạn 2017-2018 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về GTVT; giai đoạn 2017-2020 tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyên phố ùn tăc thường xuyên, nghiêm trọng.
Giai đoạn 2017-2030 từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Chủ xe cơ giới đường bộ phải mở tài khoản để thu phí tự động
Để tiến tới thực hiện các công việc đúng lộ trình, NQ đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt 30% - 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 khoảng 50% - 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.
Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 đảm bảo tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 20%-26% cho đô thị trung tâm; đạt 18%-23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16%-20% cho các thị trấn. Trong đó, diện tích đất cho giao thông tĩnh cần đạt 3%-4%.
Đồng thời nhiều giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ được đưa ra như lập quy hoạch phát triển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP đến năm 2030, trước mắt lập quy hoạch vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, taxi đến năm 2030 để đảm bảo quản lý số lượng xe taxi hợp lý; xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động tương tự như xe taxi quy định quản lý như taxi (quản lý số lượng, quản lý chất lượng, quản lý phạm vi hoạt động), đối tượng này sẽ được đưa vào trong Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030.
Đề xuất cấp hạn ngạch đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...) trên địa bàn TP theo quy hoạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng.
Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông….
Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh hoạt động theo khu vực trên địa bàn TP phù hợp với kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Đồng thời, quy định đối với chủ sở hữu xe ô tô trên địa bàn TP lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...), chủ xe cơ giới đường bộ phải mở tài khoản để thực hiện việc thu phí tự động cũng như nộp phạt khi vi phạm giao thông. Quy định xử phạt xe vi phạm giao thông đôi với chủ sở hữu xe để đảm bảo chủ xe phải đăng ký đúng tên khi mua bán xe; đấu giá quyền khai thác kinh doanh đối với số lượng xe taxi thay thế hàng năm và số lượng taxi tăng thêm theo quy hoạch.
Thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng theo đăng kiểm và niên hạn sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với xe tự hoán cải, quá niên hạn không đăng ký, đăng kiểm lưu hành trên đường; điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn TP (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuất các biện pháp thu hồi, xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Theo đại biểu HĐND TP Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn), Đề án có tính đột phá, thể hiện quyết tâm lớn của TP Hà Nội trong quản lý phương tiện giao thông. Nếu triển khai đề án này thì Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước về vấn đề này. Đây là đề án có tác động lan tỏa lớn đối với hệ thống các cơ quan, tổ chức và người dân, nhất là trong vấn đề quản lý phạm vi hoạt động của các phương tiện giao thông. Do đó đề án cần nghiên cứu tác động, ảnh hưởng đến người dân về sinh hoạt của người dân cũng như vấn đề quy hoạch thiết kế đô thị... Bởi giai đoạn trước đây, quy hoạch giao thông Hà Nội phù hợp với các phương tiện giao thông xe máy nhiều hơn là các loại phương tiện giao thông công cộng, ô tô. |
Vân Hà / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại