Chất vấn tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCông bố công khai nhiều đơn vị vi phạm phòng cháy chữa cháy
Trình bào báo cáo kết quả thực hiện kết luận của chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa XV, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết: Tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu HĐND đã tập trung chất vấn 2 nhóm vấn đề chính là công tác quản lý đô thị, công tác PCCC (PCCC); nhóm vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng, TP Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26-5-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm đảm trật tự và văn minh đô thị. Đối với quy hoạch phân khu, đến nay, UBND TP đã phê duyệt 26/35 đồ án; 6 đồ án đã hoàn thành thẩm định, trình UBND TP.
Trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc, UBND TP đã chỉ đạo Sở Quy hoạch-Kiến trúc phối hợp Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng danh mục, kế hoạch lập quy hoạch các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, lập chỉ giới đường đỏ, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc (12 quy chế các quận và các quy chế đặc thù...). Các đồ án quy hoạch, quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc được phê duyệt là cơ sở để các Sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương cấp giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng…
Đối với việc chỉ đạo xử lý các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bảo vệ kết cấu hạ tầng tuyến đường, UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT triển khai 5 kế hoạch, phương án tăng cường kiểm tra, xử lý, giải tỏa các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông trên địa bàn TP. Đồng thời, chỉ đạo các quận huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trật tự xây dựng đô thị từ khi mới phát sinh; chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý đô thị theo phân cấp, đặc biệt chú trọng công tác quản lý trật tự xây dựng…
Trong công tác PCCC, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng thì UBND TP đã chỉ đạo Cảnh sát PCCC tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm về lĩnh vực phòng chảy chữa cháy. Tiến hành công khai danh sách các chủ đầu tư, công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng.
“Ngay trước kỳ họp HĐND TP lần thứ 3 khóa XV, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội đã 3 lần đăng công báo đối với tổng số 74 công trình vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Sau kỳ họp thứ 3, Cảnh sát PC&CC tiếp tục đăng tải 4 lượt với 45 công trình vi phạm”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng dẫn chứng.
Trong nhóm vấn đề về ATTP, UBND TP đã rà soát tất cả các đề án, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến việc tạo nguồn thực phẩm sạch cho người dân Thủ đô. Cùng đó, phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất, các Đề án, Chương trình, Kế hoạch để thực hiện mục tiêu đề ra như Quy hoạch phát triển nông nghiệp TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn TP đến năm 2020...
Xử lý triệt để vi phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới
Bước vào phần tái chất vấn, nhiều ý kiến đại biểu nêu vấn đề vi phạm trật tự xây dựng tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì… chưa được xử lý dứt điểm, vậy hướng xử lý trong thời gian tới ra sao? Trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, xã phường đến đâu?
Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng (Thường Tín) nêu vấn đề: Vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng diễn biến phức tạp, một số công trình chưa được xử lý dứt điểm, có chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương. Dẫn chứng bằng các vi phạm ở Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh, đại biểu Hằng chất vấn đề trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. “Kiến nghị GĐ Sở Xây dựng và Chủ tịch UBND các quận, huyện có vi phạm nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong quản lý nhà nước và hướng xử lý thời gian tới”?
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP đề cập đến trách nhiệm của Sở Quy hoạch kiến trúc và Xây dựng khi vi phạm trật tự xây dựng tại khu đô thị, xây dựng sai mật độ, chuyển đổi công năng công trình phụ trợ thành nhà ở; giải pháp nào để không tái phát?
Điều hành phần trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Đông Anh, Mê Linh, Thanh Trì trực tiếp giải trình câu hỏi của đại biểu.
Ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, nguyên nhân trong quá trình phát triển cùng với việc quản lý Nhà nước ở một số thôn xóm còn yếu kém dẫn đến những vi phạm. Có thời điểm, chính quyền buông lỏng quản lý, khi phát hiện sai phạm không xử lý dứt điểm.
Liên quan đến 2 vụ việc vi phạm trên địa bàn huyện Đông Anh. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh thông tin: Tại khu vực Hải Bối, từ khi xây dựng cầu Thăng Long quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, một số mặt bằng sản xuất nông nghiệp khó khăn cộng với một số dải đất xen kẹt quản lý chính quyền không chặt chẽ; hơn nữa tại khu vực này do lịch sử để lại có tình trạng đội ngũ cán bộ một số thời kỳ yếu kém. “Chúng tôi đã thống nếu những trường hợp nào sau khi xử lý cố tình vi phạm sẽ chuyển cơ quan pháp luật xử lý”.
Đối với vụ việc tại Nguyên Khê, đây là khu đất giữa Sóc Sơn và Đông Anh, huyện đã chỉ đạo xã củng cố hồ sơ để xử lý nhưng chưa triệt để. Hiện huyện đã củng cố hồ sơ xử lý, khi ra quyết cưỡng chế chủ hộ có đơn cam kết xin tự tháo dỡ trước 30-6, tuy nhiên mới dỡ được mái của 1 xưởng, huyện đã chỉ thị xã rà soát toàn bộ phương án cưỡng chế. Xã cam kết không xong sẽ chịu trách nhiệm.
“Những vụ việc nêu trên đã xác định được trách nhiệm trực tiếp để xảy ra vi phạm là thuộc về cơ quan cơ sở, cán bộ chuyên môn, trách nhiệm cấp huyện trong chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường quản lý, xin rút kinh nghiệm để xử lý trong 6 tháng cuối năm”, ông Châm nêu rõ.
Tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu, ông Đoàn Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết: Huyện đã có NQ nêu rõ nếu địa phương nào để xảy ra vi phạm không được xử lý kịp thời thì trong 3 tháng huyện sẽ đình chỉ nhiệm vụ Chủ tịch UBND xã đó.
“Khi làm huyện hướng dẫn cụ thể làm theo diện tích dồn ghép, tuy nhiên một số người dân ngại làm đề án nên vi phạm có xảy ra. Dồn điền đổi thửa không làm tốt sẽ biến tướng thành nhà vườn, biệt thự, nhà tầng nên chúng tôi làm quyết liệt, nếu có tình trạng xây móng cứng đến xử lý ngay. 21 công trình này sẽ xử lý hết trong tháng 8, không có vi phạm mới’, ông Trọng cam kết.
Trả lời về chất vấn của đại biểu, ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì báo cáo: Tình hình vi phạm trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng cao, qua kiểm tra cho thấy có 77 công trình vi phạm 77, đã xử lý 70 còn 7 công trình đang xử lý. UBND huyện sau khi thấy tình hình vi phạm trật tự xây dựng diễn biến phức tạp đã chỉ đạo hàng tuần giao ban thì đội Thanh tra xây dựng phải báo cáo quá trình xử lý vi phạm. Mọi công việc thực hiện theo quan điểm vi phạm đến đâu xử lý đến đấy, không để tồn đọng và không để phát sinh mới.
Thịnh An / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại