Học thêm: Phản đối một đằng, thực tế một nẻo
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ trưởng Bộ GD&ĐT nhận định, trên thực tế, các phụ huynh của học sinh cũng có tâm lý muốn con em học để ứng thí hơn là chú ý đến việc các con em của mình học để phát triển bản thân các cháu |
Phụ huynh thiếu tự tin?
Con trai vừa vào lớp 6 tại một trường điểm của Hà Nội, chương trình cải cách hoàn toàn mới với tổ hợp bộ môn khá khó, rồi nhiều kiến thức Văn, Toán trước đây là của lớp 8, 9 chuyển xuống sách lớp 6. Học online với quá nhiều bất cập không đủ để con tiếp thu được tốt và vận dụng khi làm bài tập, nên khi Ban phụ huynh có đề xuất về việc mời thầy cô ở lớp dậy bổ trợ (dạy thêm) chị Trần Linh Chi ở Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đồng ý ngay.
Con gái của anh Cao Quang Minh đang học lớp 8 với sức học rất tốt, trong tốp đầu của lớp, nhưng lo lắng về việc con thi vào 10 nên từ khi con lên cấp 2, anh Minh đã cho con theo các lớp bổ trợ với lịch học kín đặc. Con gái anh ngoài giờ học chính là chóng mặt với lịch học bổ trợ online, thậm chí nhiều hôm cháu bỏ bữa vì mệt. Trưa học chính khóa xong vội vàng ăn cơm rồi lại chuẩn bị đến giờ vào lớp học bổ trợ buổi chiều. Sau giờ học thêm còn làm khá nhiều bài tập nên nhiều đêm cháu thức rất muộn để hoàn thành bài. Thương con nhưng anh Minh và gia đình vẫn phải động viên con cố gắng, vì nếu không học, cửa vào trường công lập THPT chất lượng của Hà Nội rất khó.
Gần như phụ huynh nào cũng lo học online chính khóa là chưa đủ vì lớp học thường xuyên bị gián đoạn do nghẽn đường truyền, học sinh ồn ào... Nếu không học thêm, con sẽ bị hổng kiến thức, ảnh hưởng tới năm học này và rất nhiều năm học về sau. Đôi khi, nhiều em muốn giải tỏa việc quá căng thẳng và mệt mỏi vì học nhiều bằng việc chơi game, xem ti-vi… nhưng bố mẹ lại cho rằng các em bỏ bê học hành, ngay lập tức chỉ trích và giám sát.
Không chỉ các lớp bổ trợ của thầy cô trong trường, hiện khóa dạy thêm online của các trung tâm cũng nở rộ như “nấm mọc sau mưa”. Điều này đã phản ánh rõ nét quan hệ cung - cầu. Tính ra, cả một tuần, đến người lớn đi làm còn có hai ngày nghỉ, nhưng với các con, dường như không có khái niệm nghỉ ngơi. Tìm mọi biên pháp động viên con cố gắng theo đủ các lớp bổ trợ, phải chăng, chính các phụ huynh đang thiếu tự tin vào con mình.
Nên đánh giá một cách khách quan vì đó là nhu cầu thực tế
Tại buổi chất vấn trước Quốc hội ngày 11-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn liên tục được các đại biểu hỏi về các vấn đề xoay quanh việc dạy thêm, học thêm. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm của ngành giáo dục ở thời điểm hiện tại: “Việc dạy thêm, học thêm là việc mà ngành ngăn chặn, nghiêm cấm. Tôi phải khẳng định ngay là bình thường thì đã cần phải ngăn. Khi học trực tuyến, học sinh còn căng thẳng hơn, việc dạy thêm giờ, thêm nội dung thì càng là công việc chúng ta cần phải lên án. Nếu các trường thấy học sinh đi học quá các giờ theo quy định, tôi đề nghị các sở giáo dục, các địa phương cũng cần phải kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến xem có bố trí quá giờ quá hay không, có hiện tượng này hay không? Quan điểm là chúng tôi cũng sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và có đầy đủ các căn cứ để nói rằng chúng ta cần phải tích cực ngăn chặn việc này”.
Tranh luận cho rằng việc dạy thêm - học thêm là nhu cầu thực tế, cần có cách quản lý khác thay vì cấm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng, theo như Bộ trưởng trả lời thì quan điểm của Bộ GD&ĐT vẫn là cấm dạy thêm trực tuyến. Tôi đồng tình với Bộ trưởng là phải cấm dạy thêm trực tuyến, vì lợi ích của các cháu. Nhưng nếu chỉ cấm thì chưa giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Chúng ta đang tiếp cận vấn đề dạy thêm học thêm như một vấn nạn, và xử lý theo cách cấm. Nhiều nơi tổ chức mật phục, bắt quả tang việc dậy thêm học thêm... cách ứng xử với nhà giáo như thế là không phù hợp. Cách quản lý không nên theo tư duy không quản được thì cấm.
Do đó, nên đánh giá tác dụng, ý nghĩa của việc dạy thêm học thêm, nó là nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh. Nói thật, con em chúng tôi trưởng thành, đỗ đạt, đi làm nhờ học thêm, nên học thêm là có tác dụng chứ không phải là không. Tại sao ngành Y được làm thêm mà giáo dục không được dạy thêm? Việc này xuất phát từ thu nhập quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề này để có giải pháp căn cơ.
Hiện nay, việc dạy thêm học thêm đang vấp phải phản ứng trái chiều từ dư luận? Thẳng thắn nhìn nhận thì đã từng có một bộ phận nhà giáo bỏ bê việc học trên lớp để tìm cách lôi kéo học sinh đến lớp học thêm nhằm cải thiện thu nhập. Vào lớp cứ yêu cầu học sinh tự học, tự luyện rồi ra đề kiểm tra quá khó khiến học sinh điểm thấp. Sự phân biệt đối xử với trò có học thêm và không đồng ý học thêm cũng là một hiện tượng không phải cá biệt.
Ngành nghề nào cũng có những "con sâu làm rầu nồi canh". Mong rằng dư luận bình tĩnh trước nhu cầu học thêm hoàn toàn chính đáng từ học sinh. Để chúng ta lên án kịch liệt những người thầy mờ mắt trước đồng tiền và dùng thủ đoạn lôi kéo người học đến lớp học thêm. Và chúng ta ủng hộ những người thầy dạy thêm chân chính dùng năng lực chuyên môn và tài năng sư phạm của mình để bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu, trau dồi thêm tri thức cho học sinh giỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước đây Bộ GD&ĐT có Thông tư 17 quy định về việc dạy thêm và học thêm, đặt vấn đề rằng đây là ngành kinh doanh có điều kiện. Nhưng Luật Đầu tư năm 2016 lại loại bỏ dạy thêm ra khỏi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cho nên nhiều điều khoản của Thông tư 17 không còn hiệu lực. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đề nghị dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại