Hoàn thiện thể chế pháp lý để phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh hội thảo |
Bất cập trong phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người
Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, hiến tặng mô, bộ phận cơ thể để cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một món quà vô giá giúp kéo dài sự sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy, ngày 29/11/2006 Quốc hội đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2007. Tiếp đó, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng và đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành y Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại.
Tuy nhiên, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người (BPCTN) và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân.
Bên cạnh đó, hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, BPCTN ở Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.
Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu tại hội thảo |
Ths. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người quy định nghiêm cấm mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua bán xác. Đây là hành động tuyệt đối cấm bởi vì mô, BPCTN là một trong những quyền bất khả xâm phạm được quy định trong Hiến pháp và tính phi thương mại của hoạt động lấy, ghép mô. Trong Bộ luật Hình sự cũng có những quy định chặt chẽ về hành vi mua bán mô, BPCTN hoặc chiếm đoạt, kể cả môi giới mô, BPCTN.
Tuy nhiên, theo bà Trang, vẫn còn những bất cập trong quy định và thực trạng thực hiện. Thứ nhất, trong Luật chưa quy định tách bạch về hiến cùng huyết thống với hiến vô danh cho nên việc nghiêm cấm người hiến và người ghép gặp nhau để phân biệt với trường hợp môi giới, mua bán có tính chất thương mại cõ những khó khăn nhất định.
Thứ hai, cần ban hành thêm các tiêu chuẩn, quy trình lấy, ghép mô; quy trình về các đơn vị độc lập kiểm soát các tiêu chuẩn để chỉ định ghép khi cập nhật lên hệ thống thông tin quốc gia. Trong đó, vai trò điều phối của Trung tâm Điều phối quốc gia là hết sức quan trọng, tuy nhiên chưa có quy trình điều phối ghép tạng. Về mặt độ tuổi, chưa có quy định người hiến chết não dưới 18 tuổi cho nên cũng có hạn chế đối với những trường hợp chết não dưới 18 tuổi. Bởi với hơn 90% nguồn tạng từ người cho sống sẽ có ảnh hưởng về mặt sức khoẻ đối với người hiến. Cho nên, nhiều trường hợp cho chết não sẽ bảo đảm được tính nhân văn và sức khoẻ của người hiến nhiều hơn. Đặc biệt, nếu tình trạng mua bán, hiến chui hoặc đi ra nước ngoài để hiến mà không được sự bảo trợ của pháp luật, không bảo đảm về vấn đề sức khoẻ, chăm sóc y tế sau ghép, thì nguy cơ đối với sức khoẻ của người hiến là rất cao, đặc biệt đối với các người trẻ.
Về công tác phòng, chống mua bán mô, BPCTN, Thượng tá Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát hình sự cho biết, lợi dụng quy định của pháp luật không cấm tiếp xúc giữa người cấy, ghép mô, BPCTN có nhu cầu lấy và người có nhu cầu hiến, các đối tượng tổ chức bàn bạc về giá cả qua môi giới trung gian. Sau khi đi đến thống nhất, các đối tượng môi giới trung gian sẽ hợp pháp hoá toàn bộ giấy tờ. Các đối tượng có thể in ấn, làm giả con dấu, giấy tờ, sau đó đưa vào các bệnh viện, các trung tâm nơi có tổ chức ghép và thu lợi nhuận rất lớn. Nếu như thời gian trước các đối tượng hưởng lợi khoảng 150 triệu đồng/ca ghép thận thì bây giờ có thể lên đến 200-300 triệu đồng, hoặc thậm chí lên tới 600-700 triệu đồng.
Thời gian gần đây, các đối tượng thường xuyên lên mạng xã hội thành lập các nhóm có nhu cầu ghép thận hoặc nhóm hiến tạng. Qua trinh sát, có hàng trăm nhóm như thế, mỗi nhóm có hàng trăm, hàng nghìn người tham gia. Các đối tượng thường đưa ra thông tin giả về việc có người thân, người nhà đang có nhu cầu ghép thận, sau đó tách ra và xin số điện thoại liên lạc riêng và không hề để lọt thông tin dẫn đến việc phát hiện và xử lý gặp khó khăn. Các đối tượng thành lập các chân rết, tổ chức, những đối tượng cầm đầu không bao giờ trực tiếp tiếp cận với các nạn nhân và chỉ đạo thông qua các chân rết. Cùng với đó, phần lớn những người bán bộ phận cơ thể trong các vụ án luôn che giấu sự việc, tạo điều kiện cho các đối tượng buôn bán tạng khó bị phát hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến về việc cấp thẻ đăng ký hiến và lộ trình, giải pháp tích hợp với thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để bảo đảm thuận tiện, dễ truy cập và đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư đang được số hóa.
Cần thiết hoàn thiện thể chế pháp lý về hiến mô, BPCTN
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trường Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đánh giá cao các bài tham luận, báo cáo của các chuyên gia tại Hội thảo và đề nghị ác đơn vị trực thuộc, các bệnh viện thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, vấn đề và đăng ký hiến mô, BPCTN, phòng chống mua bán BPCTN liên quan đến việc thực hiện quyền công dân là cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động hiến, ghép mô, BPCTN và góp phần ổn định trật tự xã hội. Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện thể chế pháp lý, sửa đổi các quy định về nội dung này trong Dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác sửa đổi thời gian tới.
Thứ hai là vấn đề về đăng ký lấy mô, BPCTN, đề nghị Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Quản lý khám chữa bệnh, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép BPCTN và các đơn vị liên quan rà soát, đề xuấy sửa đổi quy định về điều kiện, thủ tục đăng ký hiến mô, BPCTN và hiến xác trong dự thảo Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác sửa đổi, bảo đảm đơn giản, thuận tiện, dễ tiếp cận cho người dân trong việc thực hiện nguyện vọng hiến của họ và tăng cường việc ứng dụng CNTT trong hoạt động này. Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị Trung tâm Điều phối quốc gia tổng hợp báo cáo về kết quả đăng ký hiến và đề xuất giải pháp, lộ trình ứng dụng CNTT trong thẻ đăng ký hiến và tiến tới tích hợp thẻ đăng ký hiến vào thẻ căn cước công dân gắn chíp trong đề án 06 của Chính Phủ giao Bộ Công an triển khai kết hợp với các Bộ, ban, ngành trong đó có Bộ Y tế.
Thứ ba, đối với vấn đề phòng, chống mua bán mô, BPCTN. Trước tình trạng mua, bán mô, BPCTN diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh, phòng chống mua bán mô, BPCTN, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các bệnh viện triển khai hoạt động lấy, ghép mô, BPCTN chỉ đạo quán triệt các đơn vị, nhân viên y tế nâng cao ý thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán mô, BPCTN; phân công đơn vị đầu mối rà soát, hoàn thiện lại các quy trình tiếp nhận đăng ký hiến, lấy, ghép mô, BPCTN, đặc biệt là quy trình đăng ký lấy mô, BPCTN từ người còn sống.
Đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tăng cường triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với cơ sở thực hiện lấy, ghép mô, BPCTN; tham mưu cho lãnh đạo Bộ có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các bệnh viện thực hiện công việc này trên địa bàn quản lý.
Thứ tư, giao Vụ Pháp chế, Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Công an tiến hành rà soát, đề xuất các chính sách, quy định về tích hợp thẻ đăng ký hiến vào thẻ CCCD gắn chíp và công tác phòng, chống mua bán mô, BPCTN trong Dự thảo luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác sửa đổi, đảm bảo phù hợp, góp phần ngăn ngừa hành vi mua bán mô, BPCTN. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an trong đấu tranh, phòng chống tội phạm mua bán mô, BPCTN.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Vụ Pháp chế là đầu mối giúp Bộ xây dựng Đề án Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và Hiến, lấy xác (sửa đổi). Tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo để tham mưu, đề xuất sửa đổi quy định về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, BPCTN đảm bảo phù hợp, khả thi.
Một số điểm mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động hưởng chính sách BHXH | |
Hà Nội yêu cầu 100% các trường có cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe học đường cho học sinh |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại