Hoàn lưu bão số 1 đã ảnh hưởng đến đất liền, nhiều nơi bắt đầu mưa và gió to
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBão số 1 cách Móng Cái 70km. Ảnh: Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia |
Sáng 18/7, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão số 1 ở trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 60km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10, Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Cửa Ông và Móng Cái (Quảng Ninh), Phù Liễn (Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 6; Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 7.
Cũng do ảnh hưởng của bão số 1, từ ngày 18 - 19/7, ở khu vực Đông Bắc, Việt Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 180 - 280mm, cục bộ có nơi trên 400mm; khu vực Tây Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ có mưa to với tổng lượng mưa từ 100 - 200mm; Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70 - 120mm. Từ ngày 18 - 19/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50 - 80mm, có nơi trên 120mm.
Ngày và đêm 18/7, vùng biển phía Nam của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; Nam Vịnh Bắc Bộ, Vịnh Thái Lan và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8.
Không có du khách tắm tại biển tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Minh Huệ |
Để ứng phó với bão số 1, theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng tính đến 5h00 ngày 18/7, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn khu vực từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có 12.668 phương tiện/29.812 lao động biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh, thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Tất cả các tàu đã vào nơi neo đậu hoặc di chuyển đến vị trí trú tránh.
Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 183 tàu biển và 259 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động; các phương tiện đã nhận được thông tin về bão số 1 để có phương án đảm bảo an toàn.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 119.803ha, 3.154 lều, chòi canh, 22.973 lồng/bè; hầu hết các địa phương đã hoàn thành sơ tán dân trên lồng bè.
Về tình hình du lịch trên các đảo, tính đến 7h00 ngày 18/7, tại Quảng Ninh, Hải Phòng còn 2.577 khách du lịch lưu trú trên các tuyến đảo (Quảng Ninh 606 người, Hải Phòng 1.971 người). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức bố trí nơi lưu trú an toàn cho du khách.
Tàu thuyền neo đậu ở cảng cá Ngọc Hải (Đồ Sơn, Hải Phòng). Ảnh: Minh Huệ |
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do bão số 1 gây ra, các Bộ ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các Công điện của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai với các nội dung trọng tâm.
Trong đó, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, đặc biệt là các tàu thuyền hoạt động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Quản lý chặt chẽ, cấm các phương tiện ra khơi, nhất là tàu cá, tàu du lịch; kiểm tra, hướng dẫn và có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu. Kiên quyết không cho người dân quay trở lại trên lồng bè, chòi canh NTTS khi bão chưa tan.
Đảm bảo an toàn đối với khách du lịch lưu trú trên các đảo, thông báo, tuyên truyền không để khách du lịch hiếu kỳ ra bờ biển đón bão tránh tai nạn đáng tiếc. Đối với khu vực đồng bằng, ven biển, cần tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp có nguy cơ ngập sâu ở cửa sông, ven biển.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trước tác động của triều cường, sóng lớn do bão và mưa lũ sau bão, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục hoặc đang thi công dở dang.
Tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố nhà ở, biển hiệu quảng cáo, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao, hệ thống lưới điện để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại.
Sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập lụt đối với các khu vực đô thị, khu công nghiệp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố thường xảy ra ngập lụt khi có mưa lớn như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, ...
Kiểm soát việc đi lại, tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ để tránh những thiệt hại đáng tiếc về người do cây đổ, biển quảng cáo, mái tôn bay,...
Đối với khu vực miền núi, kiểm tra, rà soát, chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực ngập sâu, chia cắt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với với tình huống xảy ra lũ quét, sạt lở, chia cắt.
Ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tại khu vực Cái Lân, TP Hạ Long. Ảnh: Báo Quảng Ninh. |
Trước đó, chiều 17/7, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp cùng đoàn công tác thực hiện kiểm tra tại TP Hạ Long và Cẩm Phả, khu vực từ Vân Đồn đến Móng Cái, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều.
Các đồng chí lãnh đạo đánh giá cao sự tích cực, chủ động của các đơn vị địa phương. Đồng thời chỉ đạo, với mục tiêu đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tài sản, các đơn vị, địa phương phải nghiêm túc đầy đủ, trách nhiệm thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 về việc tập trung ứng phó với bão số 1 năm 2023; Công điện số 03 /CĐ-UBND của UBND tỉnh, thực hiện ngay các biện pháp phòng chống bão theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó bão, lũ.
Được biết, khu vực TP Móng Cái bắt đầu mưa từ tối 17/7 đến hiện tại vẫn đang mưa, gió nhẹ.
Bão số 1 đang cách Móng Cái khoảng 140km, Hà Nội mưa to và dông Hiện vị trí tâm bão số 1 ở trên khu vực phía Đông Bắc của vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 140km ... |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại