Thứ sáu 22/11/2024 21:13
Hòa giải cơ sở:

Hòa giải viên chia sẻ nghiệp vụ hòa giải cơ sở

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những vi phạm pháp luật nhằm giữ gìn đoàn kết và tranh chấp nhỏ trong nội bộ Nhân dân…
Hòa giải viên chia sẻ nghiệp vụ hòa giải cơ sở
Bà Thái Thị Thanh Năm là một tổ trưởng tổ dân phố giỏi hòa giải, khéo dân vận

Củng cố phát huy những tình cảm và đạo lý truyền thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Hoạt động hòa giải được thông qua các hòa giải viên ở các tổ hòa giải.

HGV cần tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn và lợi ích của các bên

Là một người có hơn 10 năm làm công tác hòa giải cơ sở, bà Thái Thị Thanh Năm, tổ trưởng TDP số 10, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân chia sẻ, trước khi hòa giải, hòa giải viên cần phải tìm hiểu hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà các bên hướng tới.

Khi có mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Luật Hòa giải ở cơ sở: Tuỳ thuộc đối tượng, tính chất vụ việc, quan hệ gia đình, xã hội… của các bên tranh chấp mà tổ trưởng tổ hòa giải nghiên cứu, lựa chọn, cử hòa giải viên tham gia hòa giải cho phù hợp. Việc hòa giải có thể do một hoặc một số hòa giải viên tiến hành. Tổ hòa giải có thể tự quyết định số hòa giải viên tham gia hòa giải đối với từng vụ, việc cụ thể.

Ví dụ, hoà giải tranh chấp về hôn nhân gia đình nên cử hoà giải viên là nữ giới tác động với bên vợ và cử hoà giải viên nam giới tác động với bên chồng sẽ mang lại kết quả cao hơn. Đối với những việc tranh chấp tương đối phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên tương đối gay gắt, sự có mặt của một số hoà giải viên sẽ tác động nhiều hơn đến tâm lý của các bên tranh chấp, hoặc mỗi hoà giải viên sẽ đứng ra giải thích, thuyết phục, cảm hoá từng bên.

Hòa giải viên được phân công hòa giải cần chủ động, tích cực tìm hiểu về nội dung vụ việc, thu thập thông tin, chứng cứ, nắm bắt hoàn cảnh, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, tác động của mâu thuẫn, tranh chấp đối với các bên.

Theo đó, hòa giải viên phải gặp gỡ, trao đổi riêng với từng bên tranh chấp và phải bảo đảm gặp gỡ, trao đổi được với tất cả các bên tranh chấp; cần có cách nhìn khách quan, tránh phiến diện, thiên lệch trong quá trình hòa giải vụ, việc. Gặp gỡ, trao đổi với những người khác có liên quan nhằm mục đích hiểu rõ hơn về vụ việc; lợi ích, mong muốn của các bên, lợi ích cốt lõi để xem lợi ích nào có thể chấp nhận được.

Trường hợp các bên ở thôn, tổ dân phố khác nhau thì tổ hòa giải ở thôn, tổ dân phố đó phối hợp thực hiện việc hòa giải và thông báo với Trưởng ban công tác Mặt trận tại nơi đó cùng phối hợp thực hiện để có kết quả tốt.

Trong quá trình gặp gỡ, trao đổi với các bên tranh chấp và những người có liên quan, hòa giải viên cần phải đề nghị được cung cấp các tài liệu, bằng chứng liên quan đến vụ việc và xem xét cụ thể, tỉ mỉ các tài liệu, bằng chứng đó.

Trường hợp các bên đang xung đột gay gắt, căng thẳng, hòa giải viên cần can thiệp kịp thời, khuyên giải các bên bình tĩnh, cùng đối thoại, không để “việc bé xé ra to”, tránh kéo dài tình trạng cãi cọ qua lại, bàn tán, xúi giục, kích động, dẫn đến hành vi bạo lực.

Nếu thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng, hòa giải viên thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch UBND xã, phường có biện pháp phòng ngừa hoặc báo trực tiếp công an, chính quyền xã để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cần phải tìm hiểu các quy định về pháp luật

Hòa giải viên chia sẻ nghiệp vụ hòa giải cơ sở
Bà Nguyễn Thị Phương là một hòa giải viên năng nổ, nhiệt huyết

Là một hòa giải viên với 6 năm công tác, bà Nguyễn Thị Phương, hòa giải viên tổ hòa giải số 2, TDP Hà Trì 1, phường Hà Cầu, quận Hà Đông cho biết, ngoài việc tìm hiểu nội dung vụ việc, nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, lợi ích mà các bên hướng tới. Hòa giải viên cần tìm hiểu các quy định pháp luật vận dụng trong quá trình hòa giải và khả năng đáp ứng lợi ích của mỗi bên, nhất là các lợi ích cốt lõi.

Có rất nhiều vụ việc khác nhau từ mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn hàng xóm… Với các thông tin mà hòa giải viên đã thu thập được, hòa giải viên cần phải đọc tài liệu pháp luật liên quan, thảo luận với nhau để tìm ra các điều khoản thích hợp áp dụng cho vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn.

Đối chiếu quy định pháp luật với lợi ích, mong muốn của các bên để dự kiến giải pháp tốt nhất có thể gợi ý cho các bên về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, hòa giải viên có thể tham khảo ý kiến của những người có trình độ pháp lý như luật gia, luật sư…

Đối với vụ việc có thể vận dụng quy định pháp luật một cách rõ ràng, thì căn cứ trên quy định của pháp luật, hòa giải viên phân tích, thuyết phục các bên. Các bên tranh chấp có thể không cần gặp nhau trực tiếp, mà thống nhất với nhau phương án giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua hòa giải viên.

Điều này, hòa giải viên gợi ý giải pháp, hai bên nhất trí với giải pháp đó hoặc một bên tranh chấp đưa ra giải pháp, bên tranh chấp còn lại đồng ý khi hòa giải viên đề cập đến giải pháp này. Quá trình hòa giải lúc này là hoàn thành và hòa giải viên cần khẳng định lại thỏa thuận đạt được và việc thực hiện thỏa thuận.

Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động