Thứ sáu 19/04/2024 12:19

Hòa giải phải hết sức nhẹ nhàng, có tình có lý và đúng pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Phùng Trọng Đức, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hoắc Châu, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì cho biết, khi mâu thuẫn các bên đều rất căng thẳng, ai cũng lấy phần đúng về mình nên người hòa giải phải hết sức nhẹ nhàng, có tình có lý và đúng pháp luật.
Hòa giải phải hết sức nhẹ nhàng, có tình có lý và đúng pháp luật
Ông Phùng Trọng Đức chia sẻ về công tác hòa giải trên địa bàn.

Trao đổi với PV, ông Phùng Trọng Đức, 73 tuổi, tổ trưởng tổ hòa giải thôn Hoắc Châu, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết, ông làm công tác hòa giải từ năm 1998 đến nay. Trên địa bàn thôn Hoắc Châu thường xảy ra mâu thuẫn về tranh chấp đất đai, tranh chấp lối đi, rãnh nước chảy, giọt gianh hoặc nước mưa từ mái tôn chảy sang nhà hàng xóm,...

Ông Đức cho biết thêm, các thành viên tổ hòa giải đều ở mỗi khu vực dân cư khác nhau nên khi có mâu thuẫn xảy ra ở khu vực thành viên nào sinh sống thì người đó sẽ đến nắm bắt và thông tin lại cho tổ hòa giải đến giải quyết mâu thuẫn.

Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, thông thường hai bên sẽ rất căng thẳng, không ai chịu nhường ai, ai cũng lấy phần đúng về mình. Tiếp cận sự việc, thành viên tổ hòa giải cần trò chuyện, nghe các bên trình bày, nghe chứng lý của các bên, từ đó, người hòa giải mới phân tích có tình, có lý và đúng pháp luật để hai bên nhìn nhận ra vấn đề. Khi hai bên đều hiểu và nhường nhịn nhau thì vụ việc hòa giải thành, giữ tình làng nghĩa xóm và hóa giải mâu thuẫn.

Qua mỗi lần hòa giải thành công thì bản thân ông thấy rất hạnh phúc bởi công việc của ông, công sức của tổ hòa giải đã đem lại tình đoàn kết, sự gắn kết giữa xóm giềng. Trên cơ sở đó, bà con xóm giềng rất tin yêu, mến phục, đã trở thành dấu ấn trong quá trình tối lửa tắt đèn.

Ông Đức cảm thấy bản thân đã giúp ích cho xóm giềng đoàn kết, hoàn thành các nhiệm vụ không để xích mích xảy ra, đơn thư khiếu kiện lên trên hoặc chính quyền phải giải quyết thì đấy là một vinh dự. Ông tự hào về công việc mình đã làm, mặc dù nhiều người nói ông là vác tù và hàng tổng.

“Khi có mâu thuẫn xảy ra, chúng tôi thấy được rằng trách nhiệm của mình và mỗi khi hòa giải thành công, chúng tôi rất tự hào vì mình đã giữ được tình làng nghĩa xóm, xóm làng đoàn kết và đóng góp được cho xã hội, làng xóm, họ hàng những công việc có ích ở nông thôn”, ông Đức nói.

Hòa giải phải hết sức nhẹ nhàng, có tình có lý và đúng pháp luật
Công tác hòa giải ở xã Châu Sơn luôn được chú trọng nên tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt kết quả cao.

Vụ hòa giải ông Đức nhớ nhất là vụ tranh chấp nước chảy từ mái tôn sang nhà hàng xóm. Khi ông A xây nhà thì xây hết phần đất nhà mình nhưng khi lợp mái tôn thì cứ mưa là nước lại chảy sang nhà hàng xóm gây bức xúc, hai bên lời qua tiếng lại. Một bên yêu cầu dỡ bỏ mái tôn, còn 1 bên thì cứ khăng khăng là tôi làm đúng, làm trên phần đất của tôi, không ảnh hưởng đến ai nên tôi cứ làm. Từ đó, hai bên dẫn tới mâu thuẫn, xích mích.

Nắm được tình hình đó, ông Đức cùng các thành viên tổ hòa giải đến quan sát, nắm vững địa giới đất của hai gia đình và giải thích khoảng không của hai gia đình. Trên tình hình đó, tổ hòa giải đề ra giải pháp gia đình ông A phải lắp đặt máng nước chảy để khi nước mưa chảy xuống không chảy sang phần tường nhà hàng xóm. Sau khi nghe tổ hòa giải phân tích, hai bên đều thấy hợp tình hợp lý và cùng vui vẻ thực hiện, mái tôn cũng không phải cắt.

Chia sẻ về việc gắn bó với công tác hòa giải, ông Đức thông tin, ông là bộ đội về hưu nên còn sức khỏe, được nhân dân tín nhiệm thì ông vẫn làm công tác hòa giải để không có những vụ tranh chấp, mâu thuẫn phải đơn thư khiếu kiện lên trên.

Vừa qua, ông Đức là hòa giải viên nhất cấp xã và được cử đi thi hòa giải viên giỏi cấp huyện. Tại cuộc thi, ông Đức đã đạt được giải 3 hòa giải viên giỏi cấp huyện.

Châu Sơn là một xã luôn hoàn thành tốt công tác hòa giải ở cơ sở trong nhiều năm qua với những cách làm hay, sáng tạo cùng các hòa giải viên uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Chính vì thế, tại Châu Sơn không có vụ việc mâu thuẫn phải vượt lên cấp có thẩm quyền hay phải đưa nhau ra tòa án giải quyết.

Một trong những việc mà lãnh đạo UBND xã Châu Sơn luôn chú trọng là công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở xã Châu Sơn luôn được đặt lên hàng đầu. Không chỉ tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh mà còn lồng ghép các hội nghị để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, biết, thực hiện tốt các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ việc hiểu biết và tuân thủ theo pháp luật đã giúp tỷ lệ hòa giải ở xã Châu Sơn luôn đạt kết quả cao.

Người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai Người hỗ trợ đắc lực trong hòa giải tranh chấp đất đai

Trong tổ hòa giải tại xã về đất đai thì cán bộ địa chính luôn là người hỗ trợ đắc lực, thông tin về nguồn ...

Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động