Thứ bảy 12/10/2024 17:20

Hiểm họa ma tuý núp bóng thuốc lá điện tử

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng các địa phương phát hiện, bắt giữ một số đối tượng bán thuốc lá điện tử (TLĐT) chứa chất ma túy. Cùng sự mới lạ của TLĐT là những lời quảng cáo hấp dẫn đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện “cái tôi” của tuổi mới lớn. Đây là hiện tượng nguy hại, gây ra nhiều hiểm họa cho xã hội, cần được ngăn chặn kịp thời.
Một mẫu TLĐT pha trộn ma túy được xét nghiệm tại BV Bạch Mai
Một mẫu TLĐT pha trộn ma túy được xét nghiệm tại BV Bạch Mai

Phát hiện chất ma tuý trong TLĐT

Mặc dù đã được các cơ quan y tế cảnh báo nhiều về các tác hại của TLĐT, tuy nhiên, loại sản phẩm này vẫn được nhiều người, nhất là giới trẻ sử dụng thường xuyên. Để kiếm lời, nhiều đối tượng cũng đã bỏ một số chất ma túy vào các loại tinh dầu để bán.

Cụ thể, từ thông tin phản ánh của người dân về việc con em của họ có biểu hiện bất thường sau khi sử dụng TLĐT, CA huyện Thạch Thất, Hà Nội đã tổ chức điều tra phát hiện, bắt giữ một nhóm đối tượng phân phối, bán TLĐT có chứa chất ma tuý cho các thanh niên trên địa bàn. Ngày 4/1, CA xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất phối hợp cùng các trinh sát Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma tuý, CA huyện Thạch Thất phát hiện, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Văn Duy, SN 2000, trú tại xã Hữu Bằng, Thạch Thất đang bán 5 chiếc TLĐT chứa tinh dầu cần sa tổng hợp nghi là ma tuý, cho một thanh niên ở huyện Quốc Oai. Kết quả giám định cho thấy, chất trong TLĐT mà Nguyễn Văn Duy bán là chất ADB Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp trong danh mục cấm. Đây là loại chất ma tuý rất mới, "nguỵ trang" để sử dụng trong nhiều loại đồ dùng và thực phẩm mà giới trẻ thường dùng.

Trước đó, vào tháng 9/2022, CA quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý ở các địa bàn khác nhau. Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hoá bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng là TLĐT, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma tuý loại ADB-Butinaca.

Một trường hợp hôn mê sâu sau khi sử dụng TLĐT có chứa ma túy tổng hợp
Một trường hợp hôn mê sâu sau khi sử dụng TLĐT có chứa ma túy tổng hợp

Gây nguy hại cho người dùng

Theo tìm hiểu, hiện nay, rất dễ dàng mua TLĐT và các loại tinh dầu để sử dụng loại thuốc lá này. Trên mạng xã hội Facebook, khi gõ cụm từ “TLĐT” sẽ ra rất nhiều kết quả là những hội, nhóm sử dụng loại thuốc lá này cũng như các trang mua bán. Để “nhập môn”, người có nhu cầu phải mua thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng, biến dung dịch lỏng thành dạng hơi cùng những luồng khói có hương thơm để hít vào phổi. Các thiết bị này được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có giá từ vài trăm nghìn lên đến cả triệu đồng. Đáng chú ý, trên mạng xã hội có rất nhiều nhóm riêng tư (nhóm kín) là nơi diễn ra các hoạt động mua bán các loại tinh dầu này.

Một người hút TLĐT lâu năm cho biết, để vào một số nhóm kín, phải là khách hàng thường xuyên của người lập nhóm. Tại đây, ngoài bán tinh dầu có những vị thông thường như nho, bưởi, bạc hà…, nếu khách đặt những loại “nặng đô” hơn, tức là có chứa một số chất ma túy thì cũng sẽ được phục vụ. Theo anh Nguyễn Viết T, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, thời gian gần đây, anh thấy đứa con trai 15 tuổi của mình thường có biểu hiện chểnh mảng học hành, trí nhớ giảm sút, thi thoảng bị tức ngực, khó thở. Sau khi tìm hiểu, anh T phát hiện con mình đã nghiện TLĐT gần một năm nay. “Mấy đứa bạn thường xuyên chơi với con tôi đều sử dụng TLĐT. Không những thế, chúng còn tạo nhóm trên mạng xã hội để nhắn tin, trao đổi với nhau về các địa điểm bán những loại tinh dầu mới và cùng góp tiền để mua. Các loại tinh dầu này vốn đã độc hại vì có chứa nhiều hóa chất nguy hại, lại được người bán cho thêm các chất ma túy để gây nghiện thì hậu quả thật khó lường”, anh T chia sẻ.

Theo thông tin từ Viện Khoa học hình sự, Bộ CA, gần đây tội phạm ma túy đã chế tạo những chất ma túy mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch TLĐT, dùng dụng cụ TLĐT để sử dụng trái phép. Các chất ma túy mới khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người không may uống nhầm. Một số cán bộ Cảnh sát hình sự cho biết, loại hóa chất mà các đối tượng thường dùng để cho vào tinh dầu TLĐT là ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Chất này thường gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương. ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hóa chất, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma túy cần sa. Ngoài ra, đối tượng cũng sử dụng cả tinh dầu cần sa để trộn vào tinh dầu TLĐT để tăng độ “phê”.

Đề xuất phương án cấm TLĐT

Đánh giá về tình trạng sử dụng TLĐT trong thanh, thiếu niên, Thượng tá Nguyễn Minh Cương, Phó trưởng Phòng 5, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy, Bộ CA cho biết, thời gian gần đây có sự gia tăng tình trạng ma túy núp bóng hàng hóa tiêu dùng thông thường. Nổi lên là các đối tượng thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp các chất kích thích, ma túy mới dưới dạng thảo mộc hoặc dung dịch để sử dụng dưới dạng TLĐT, thuốc lá nung nóng. Người sử dụng các loại hàng hóa pha trộn, tẩm ướp này rất dễ ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Thượng tá Nguyễn Minh Cương nhấn mạnh: “TLĐT bình thường đã có tác hại rất lớn, tội phạm lợi dụng để hoạt động mua bán trái phép các chất ma túy. Vì vậy, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đề xuất Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án cấm TLĐT, thuốc lá nung nóng. Kiến nghị Cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát các hàng hóa ký gửi. Bộ GD&ĐT chỉ đạo nghiêm quy định cấm học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá, trong đó có TLĐT”.

Theo các chuyên gia, không chỉ nguy hiểm khi sử dụng TLĐT chứa chất ma túy, mà sử dụng TLĐT còn gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, thậm chí là ung thư. “Nếu không cấm mà để thanh, thiếu niên sử dụng sẽ hỏng cả một thế hệ. Đến lúc đó các em bé ai cũng cầm điếu TLĐT mà trong đó có ma túy hay không thì không biết”, BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhận định.

Đề nghị cấm lưu hành TLĐT ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, GĐ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, TLĐT chứa nhiều hương liệu, hóa chất, có thể bị lợi dụng để pha trộn chất gây nghiện. Đã có nhiều trường hợp cấp cứu vì ngộ độc ma túy, cần sa tổng hợp tẩm trong TLĐT sau khi sử dụng loại sản phẩm này. Một số bệnh nhân đột quỵ não, tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, tổn thương tim, sốc, suy thận... Xét nghiệm các loại TLĐT mà bệnh nhân hút đã phát hiện cần sa tổng hợp 5F-ADB, ADB-BUTINACA...

Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện nay đã có ít nhất 32 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm TLĐT. Quan điểm của Bộ Y tế cũng đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới (TLĐT và thuốc lá nung nóng) vì có hại cho sức khoẻ, có nguy cơ cao tiểm ần phát sinh tệ các nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý và chất gây nghiện.
Cảnh báo tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ: Dễ dẫn đến ngộ độc, gây tử vong cao
Hà Nội: Làm rõ vụ việc 4 học sinh nhập viện vì thuốc lá điện tử
Thu giữ gần 800 điếu thuốc lá điện tử
Phòng ngừa tội phạm “từ sớm, từ xa, từ cơ sở”
Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động