Hết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHết tháng 11, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 602 tỷ USD |
Ngày 14-12, Tổng cục Hải quan công bố tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 11-2021.
Cụ thể, trong tháng 11, xuất khẩu đạt 31,87 tỷ USD, tăng 10,4% so với tháng trước.
Tính chung hết tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 301,7 tỷ USD, tăng 18,3%, tương ứng tăng 46,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhìn chung các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đều có tăng trưởng khá trong tháng 11 như máy vi tính, máy móc, dệt may, giày dép, đồ gỗ và sản phẩm…
Trong tháng chỉ có 2 trên 7 nhóm hàng xuất khẩu lớn (kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên) tăng trưởng âm là điện thoại đạt 5,35 tỷ USD, giảm 3,8%; sắt thép đạt 1,16 tỷ USD, giảm 6,1%.
Ở chiều ngược lại, tháng 11 vừa qua, kim ngạch nhập khẩu đạt 30,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với tháng trước. Tính chung hết tháng 11, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt gần 300,3 tỷ USD, tăng 27,9 %, tương ứng tăng 65,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cán cân thương mại, tháng 11 cả nước xuất siêu 1,27 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư tính từ đầu năm lên gần 1,5 tỷ USD.
Trong 10 năm qua, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Và cứ hai năm, mốc 100 tỷ USD lại được chinh phục.
Đáng chú ý, cơ cấu các ngành xuất khẩu chủ lực có thay đổi đáng kể từ những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, thủy sản, hay hàng hóa là tài nguyên khoáng sản như than đá, dầu thô… nhưng đến nay đã nhường chỗ cho sự vươn lên của các nhóm hàng công nghệ cao như điện thoại, máy vi tính, máy móc…
Trong tháng cuối cùng của năm, để thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các Hiệp định thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) nhằm phát huy có hiệu quả ưu đãi của Hiệp định, từ đó tận dụng tối đa các cơ hội và hạn chế các thách thức đặt ra từ những Hiệp định này.
Đồng thời ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch Covid-19; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại