Hành vi xóa dấu vết sau khi gây tai nạn giao thông: là tình tiết định khung tăng nặng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTài xế Phạm Văn Thông, người gây tại nạn giao thông chết người rồi bỏ chạy. Ảnh: CQCA cung cấp |
Gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn
Ngày 4/4, CATP Hải Dương vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Văn Thông, SN 1980, trú tại thị trấn Thanh Hà, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương để tiếp tục điều tra về tội “Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ”. Phạm Văn Thông là tài xế điều khiển xe ô tô gây TNGT làm chết người tại đường tỉnh 390, thuộc địa phận xã Quyết Thắng, TP Hải Dương vào sáng 23/3 rồi bỏ trốn. Theo thông tin ban đầu, khoảng 4h40 ngày 23/3, tại Km 17+500 đường tỉnh 390 thuộc xã Quyết Thắng, TP Hải Dương xảy ra vụ TNGT giữa người đi xe đạp là ông H.V.N, ở thôn Hoàng Xá 1, xã Quyết Thắng với phương tiện khác.
Quá trình xác minh, đến ngày 25/3, CATP Hải Dương đã xác định Phạm Văn Thông sở hữu xe ô tô nhãn hiệu Mitsubishi Attrage, biển kiểm soát 34A-206.18 là người gây ra tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Sau khi gây ra tai nạn, Thông đã mang phương tiện bị hư hỏng đến gara ở Hà Nội và huyện An Lão, TP Hải Phòng để sửa chữa, thay thế phụ tùng nhằm xóa dấu vết và che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Vụ tai nạn khiến ông N tử vong, người điều khiển phương tiện gây tai nạn đã bỏ trốn khỏi hiện trường.
Nhận định từ luật sư
Liên quan đến vụ việc này, bạn đọc đặt câu hỏi, hành vi bỏ mặc người bị TNGT và xóa dấu vết gây khó khăn cho quá trình điều tra của tài xế sẽ bị xử lý như thế nào? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi gây tai nạn xong bỏ chạy, bỏ mặc nạn nhân và không giữ nguyên hiện trường là hành động đáng lên án, không thể chấp nhận. Do hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên việc cơ quan điều tra khởi tố và bắt tạm giam đối với tài xế Phạm Văn Thông là có cơ sở.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi vi phạm gây TNGT không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không cấp cứu người bị nạn sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (đối với người điều khiển xe ô tô) và phạt tiền từ 6-8 triệu đồng (đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy).
Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 38, Luật Giao thông đường bộ quy định, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm "ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của CQCA đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với CQCA nơi gần nhất".
Tuy nhiên, với việc làm chết người và bỏ chạy sau khi gây tai nạn được xem là tình tiết tăng nặng. Cụ thể, tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại khoản 2 Điều 260, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015. Theo đó, người nào tham gia giao thông mà làm chết một người hoặc làm tổn hại sức khỏe của một người từ 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe 2 người 31-60% hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của họ từ 61% đến 121% thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Trường hợp gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn, người phạm tội sẽ đối diện mức phạt 3-10 năm tù.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái cũng cho biết, sau khi gây tai nạn, tài xế Phạm Văn Thông đã mang phương tiện bị hư hỏng đến gara để sửa chữa, thay thế phụ tùng nhằm xóa dấu vết và che giấu hành vi phạm tội. “Hành vi xóa dấu vết, bỏ trốn khỏi hiện trường vụ tai nạn đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, hành vi đáng lên án này tới nay vẫn còn nhiều quan điểm, cách xử lý khác nhau giữa các cơ quan tố tụng. Bởi, tại Điều 260, BLHS năm 2015, chưa quy định “xóa dấu vết sau TNGT” là tình tiết định khung tăng nặng mà mới quy định tình tiết bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Vì vậy, theo tôi cần quy định hành vi “xóa dấu vết sau khi gây TNGT” là tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 Điều 260 BLHS”- luật sư Nguyễn Hồng Thái kiến nghị.
Luật sư Nguyễn Hồng Thái khuyến cáo, mỗi người tham gia giao thông phải tự giác nâng cao ý thức chấp hành, phải xác định được rằng, gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường bỏ mặc người bị nạn không chỉ vi phạm về mặt đạo đức, quy tắc ứng xử văn hóa giao thông mà còn là hành vi vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng mà mỗi người khi tham gia giao thông cần biết.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại