Thiếu niên 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe máy: Người cha có thể bị xử lý hình sự?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHiện trường vụ ô tô "điên" hất tung loạt xe máy dừng đèn đỏ ở huyện Tuy Phong (Ảnh: Người dân cung cấp). |
Liên quan đến vụ một thiếu niên 16 tuổi điều khiển ô tô tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ trên Quốc lộ 1A, CQ CSĐT CA huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã xác định, người cha của thiếu niên này đã giao xe cho con trai điều khiển.
Theo đó, rạng sáng 2/9, ông N.C.T, SN 1982, trú huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai điều khiển xe ô tô BKS 60A-668.00 chở theo người con trai là N.C.H, SN 2007 và một người khác đi du lịch.
Khi đến địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, do buồn ngủ, người cha đã giao tay lái cho con mình là N.C.H điều khiển. Khi đến Km 1604+750 Quốc lộ 1 - khu vực đèn tín hiệu điều khiển giao thông dẫn vào đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo, do thiếu chú ý quan sát, H đã để ô tô tông vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ cùng chiều phía trước.
Cú tông làm 5 người bị thương, trong đó 1 người bị thương nặng đã được chuyển vào TP Hồ Chí Minh điều trị, 4 người còn lại xây xát nhẹ. Qua kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý, H không vi phạm.
Ngay trong chiều 2/9, CQ CSĐT CA huyện Tuy Phong đã trưng cầu giám định phương tiện gây tai nạn, đồng thời trưng cầu giám định thương tật các nạn nhân. Từ kết luận thiệt hại và kết luận thương tật của các nạn nhân, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ xử lý hành vi của các cá nhân gây ra vụ tai nạn. Trong đó, có việc điều tra hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Hồng Thái, GĐ Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, từ thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, thấy đây là vụ tai nạn có dấu hiệu vi phạm pháp luật giao thông đường bộ.
Trường hợp tài xế điều khiển chiếc xe gây tai nạn chưa đủ 18 tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển xe ô tô và chưa có giấy phép lái xe, thì người nào giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264, BLHS năm 2015.
Bởi, theo Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi (18 tuổi trở lên với các xe có tải trọng theo quy định), sức khỏe quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trong khi đó, Điều 264, BLHS năm 2015 quy định, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác… sẽ cấu thành tội phạm này.
Như vậy, trong vụ tai nạn giao thông trên, bước đầu chưa có hậu quả chết người, nhưng yếu tố lỗi cơ bản có thể quan sát được là tài xế chưa đủ điều kiện lái xe, điều khiển ô tô thiếu chú ý quan sát, không chấp hành tín hiệu đèn tín hiệu...
Hậu quả thương tích và thiệt hại tài sản là có, vì vậy cơ quan chức năng sẽ xác định cụ thể thương tích của các nạn nhân và giá trị tài sản bị thiệt hại là bao nhiêu để có căn cứ xử lý theo quy định pháp luật.
Từ phân tích trên, luật sư Thái nêu quan điểm, trường hợp hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về lỗi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe ô tô, mức phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8 đến 12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô.
Còn theo quy định tại khoản 3 Điều 134, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền nhưng không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
Trường hợp nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính, không áp dụng hình thức phạt tiền. Ngoài ra, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền, tiền phạt không quá 1/2 mức áp dụng với người thành niên. Đồng thời bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong vụ tai nạn nêu trên.
Còn trường hợp hành vi của tài xế đến mức phải xử lý hình sự, người này có thể bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 260, BLHS năm 2015.
Thiếu niên 16 tuổi gây tai nạn liên hoàn, 7 người thương vong |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại