Hai sỹ quan cấp tá của Học viện Quân y vừa bị bắt đối mặt hình phạt nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBộ kit test xét nghiệm Covid-19 của Cty Cổ phần Công nghệ Việt Á |
Mới đây, Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã khởi tố, bắt tạm giam 2 cán bộ Học viện Quân y do liên quan việc nghiên cứu, chế tạo, mua bán kit xét nghiệm Covid-19 của Cty Cổ phần Công nghệ Việt Á.
Cụ thể, CQĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng phòng Trang bị, vật tư - Học viện Quân y, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" và thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó GĐ Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự - Học viện Quân y về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Khoản 4 Điều 353 và tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Thượng tá Hồ Anh Sơn là Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y sau này được Cty Việt Á sử dụng để sản xuất kit xét nghiệm.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đến nay, CQĐT tiếp tục khởi tố hai bị can về 3 tội danh đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có những tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Tội "Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng" là tội danh sẽ được áp dụng đối với nhiều bị can trong vụ án này khi các bị can tham gia vào các quy trình thực hiện hoạt động đấu thầu để mua sắm các loại vật tư y tế, các kit test xét nghiệm Covid-19 nhưng đã vi phạm quy định về đấu thầu, vi phạm về công khai minh bạch, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu... gây ra hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
Theo Điều 222, BLHS năm 2015, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất lên đến 20 năm. Với những bị can chỉ phạm một tội danh là tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận thì có thể sẽ phải chịu chế tài đến 20 năm tù.
Trường hợp kết quả điều tra của CQĐT cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ là khung cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đối với bị can lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm này được quy định tại Điều 353 BLHS với chế tài cao nhất có thể là tử hình.
Theo luật sư Thái, trong vụ án này, chỉ vì lợi ích cá nhân, muốn thu lợi bất chính mà họ đã bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe của người bệnh, tác động tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch bệnh và gây hệ lụy khôn lường cho xã hội, làm giảm sút niềm tin của người dân đối với chính quyền. Hành vi của các bị can cần phải được xác minh làm rõ, xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Luật sư Thái cho biết thêm, theo quy định của pháp luật thì cơ quan tố tụng thuộc Quân đội sẽ giải quyết đối với những vụ án mà các bị can, bị cáo là quân nhân. Bởi vậy, trong vụ án này, vụ việc sẽ do CQĐT của Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra và Viện Kiểm sát Quân sự sẽ kiểm sát quá trình điều tra và thực hiện quyền công tố, Tòa án Quân sự sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ án này theo quy định của pháp luật. Những bị can là cựu quân nhân sẽ được tách vụ án để chuyển cho CQĐT Bộ Quốc phòng tiến hành điều tra theo thẩm quyền. CQĐT trong Quân đội điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự.
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự được quy định tại Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể, Tòa án Quân sự có thẩm quyền xét xử: Vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội Nhân dân… |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại