Chế tài nào đang chờ các đối tượng?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênÔng Đỗ Đức Lưu, GĐ Trung tâm Kiểm sát bệnh tật tỉnh Nam Định |
Ngày 26/4, CQ CSĐT CA tỉnh Nam Định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 cán bộ, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định (CDC Nam Định), gồm GĐ Đỗ Đức Lưu, Kế toán trưởng Vũ Ngọc Tuyên, Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ Vũ Khánh Vân, Trưởng khoa Dược vật tư y tế Phạm Thị Nga, Phó Trưởng khoa Xét nghiệm Vũ Thị Ngọc Thanh.
Trong đó, các bị can Đỗ Đức Lưu, Vũ Ngọc Tuyên, Vũ Khánh Vân, Phạm Thị Nga bị khởi tố vì hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Bị can Vũ Thị Ngọc Thanh bị khởi tố tội "Tham ô tài sản".
Kết quả điều tra ban đầu xác định, trong năm 2020 - 2021, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng mua kit xét nghiệm Covid-19 của Cty CP công nghệ Việt Á và đã thanh toán cho Cty Việt Á hơn 23 tỉ đồng.
Cty Việt Á đã "trích %" ngoài hợp đồng chỉ định thầu kit test cho CDC Nam Định với số tiền 3,135 tỷ đồng và nhân viên CDC Nam Định đã có hành vi chiếm đoạt số kit test của Nhà nước “bán” cho Cty Việt Á để trục lợi với số tiền 800 triệu đồng. Bước đầu các bị can đã khai nhận hành vi phạm tội. Vật chứng đã thu hồi được là 1,255 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trả lời báo chí trước đó, GĐ CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu cho hay quá trình thực hiện hợp đồng mua sắm kit test với Cty Việt Á, CDC Nam Định đều thực hiện đủ 13 bước theo quy trình đấu thầu bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn, được các cơ quan liên quan thẩm định.
Hiện CQ CSĐT (PC03) - CA tỉnh Nam Định đang tích cực, khẩn trương điều tra, hoàn tất hồ sơ để sớm đưa vụ án ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án trên, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, bản chất của vụ việc là các đối tượng đã không tuân thủ quy định của luật đấu thầu khi lựa chọn nhà thầu, xác định không đúng giá trị của các loại hàng hóa khi mua bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Dù là tổ chức đấu thầu hay chỉ định thầu để mua sắm thiết bị y tế, vật tư y tế thì cũng phải tuân thủ các quy định pháp luật về mua sắm tài sản công, quy định của luật đấu thầu, hướng đến mục đích là để sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Nhà nước chi tiền để mua những sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý thông qua thủ tục đấu thầu hoặc chỉ định thầu, có sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Nhưng các đối tượng đã cấu kết với nhau vi phạm quy định về đấu thầu, bán cho nhà nước sản phẩm kém chất lượng với giá cao ngất ngưỡng, gấp nhiều lần giá thị trường.
Vì vậy theo luật sư Thái, nếu đủ căn cứ, các đối tượng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tội đưa hối lộ, nhận hối lộ; tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng... Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả của những người có liên quan.
Luật sư Thái viện dẫn, theo Điều 222, BLHS năm 2015, đối với vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 20 năm. Với những bị can chỉ phạm một tội danh là tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gây ra thiệt hại lớn cho xã hội, ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch bệnh, gây bức xúc trong dư luận thì có thể sẽ phải chịu chế tài đến 20 năm tù.
Theo quy định của pháp luật thì người nào vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị xử lý hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 BLHS năm 2015.
Như vậy, trường hợp kết quả điều tra của CQĐT cho thấy các bị can đã thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt mà các bị can phải đối mặt sẽ là khung cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm. Đối với bị can lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình quản lý thì đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm này được quy định tại Điều 353 BLHS với chế tài cao nhất có thể là tử hình.
Liên quan vụ án này, đến nay C03 Bộ Công an đã khởi tố hơn 20 bị can, trong đó có các quan chức cấp bộ gồm: ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính, Bộ Y tế; Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ; Phan Quốc Việt, Tổng GĐ Cty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó GĐ Cty Việt Á cùng GĐ CDC các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương và hàng chục người khác. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại