Thứ tư 11/09/2024 06:21

Hà Nội: Xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau thời gian chịu tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bước sang tháng 11-2021, cùng với cả nước, Hà Nội đang từng bước thực hiện việc thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh…
Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 tăng 5%
Hà Nội đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 tăng 5%

Doanh thu thương mại, dịch vụ tháng 11-2021 phục hồi tích cực

Theo số liệu báo cáo từ Sở Công thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11-2021 của Hà Nội ước tính đạt 57,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 38,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 10,1%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 7,8%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 385 tỷ đồng, tăng 7,3% và giảm 12,9%; doanh thu dịch vụ khác đạt 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% và tăng 2,1%.

Tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 497,4 nghìn tỷ đồng, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 345,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 69,4% tổng mức và giảm 1% do doanh thu phương tiện đi lại, doanh thu khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, du lịch lữ hành... đều giảm do tác động của dịch Covid-19.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với 4 đợt bùng phát mạnh (trong đó có 60 ngày thực hiện giãn cách xã hội, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9-2021), để triển khai thực hiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm tổ chức hiệu quả khôi phục và phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng giai đoạn cuối năm theo kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29-10-2021, trong quý IV-2021, Hà Nội tập trung triển khai hàng loạt các sự kiện kích cầu tiêu dùng cho các doanh nghiệp nhằm đưa các sản phẩm của các doanh nghiệp đến tay người tiêu dùng như; Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”; Chương trình “Tháng khuyến mại tập trung TP. Hà Nội” năm 2021…

Các sự kiện kích cầu nội địa không chỉ giúp, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa doanh thu dịch vụ mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá thương hiệu Việt, là động lực để doanh nghiệp tiếp tục khôi phục, vượt qua các khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2021 trên địa bàn TP.

Cùng với các thương mại, dịch vụ, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 11-2021 cũng được phục hồi, ước tính đạt 1.354 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, các nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước: Hàng dệt, may đạt 238 triệu USD, tăng 80,3%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 237 triệu USD, tăng 14,8%; máy móc thiết bị, phụ tùng đạt 164 triệu USD, tăng 8,1%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 70 triệu USD, tăng 61,3%; xăng dầu đạt 80 triệu USD, gấp 2,7 lần; giầy dép và các sản phẩm từ da đạt 47 triệu USD, gấp 2,5 lần.

Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 13,7 tỷ USD, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Hàng dệt may đạt 2.008 triệu USD, tăng 20,7%; máy móc, thiết bị đạt 1.779 triệu USD, tăng 22,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1.386 triệu USD, tăng 32,8%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 666 triệu USD, tăng 40,1%; xăng dầu đạt 609 triệu USD, tăng 12,9%.

Hà Nội phấn đấu đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn nhất

Theo kế hoạch, trong năm 2022, TP Hà Nội tiếp tục chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của TP. Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh…. Hà Nội phấn đấu đưa hoạt động xuất nhập khẩu trở lại trạng thái bình thường trong thời gian ngắn nhất. Thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, vận dụng kết quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động.

Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan coi đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời, phân công rõ trách nhiệm để chủ động triển khai và kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn TP.

Đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 trên địa bàn TP tăng 5% so với thực hiện năm 2021, TP sẽ tập trung thực hiện 7 giải pháp chủ yếu, gồm: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thành phố cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Ngoài ra, TP tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực…

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại... theo đúng quy định và chỉ đạo của TP về việc thực hiện các quy định tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị Quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ và Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19 trong quý IV-2021 và các năm 2022, 2023.
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động