Thứ sáu 29/03/2024 16:16

Hà Nội: Tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 7 giải pháp chủ yếu để tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ, nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 trên địa bàn TP tăng 5% so với thực hiện năm 2021.
Hoạt động thương mại, dịch vụ của Hà Nội đang phục hồi tích cực.(ảnh: Khánh Phong)
Hoạt động thương mại, dịch vụ của Hà Nội đang phục hồi tích cực. Ảnh: Khánh Phong

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 ước tính đạt 51.000 tỷ đồng, giảm 12,2% so với tháng trước nhưng tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, một số nhóm hàng bán lẻ tăng cao so với cùng kỳ, như may mặc tăng 15,6%; xăng, dầu tăng 15%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 13,6%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 13%; đá quý, kim loại quý tăng 11,7%; lương thực, thực phẩm tăng 8,2%; ô tô dưới 9 chỗ tăng 3,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP Hà Nội ước tính đạt 109.000 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 73,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 67,2% tổng mức và tăng 10,9% (đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 13,9%; lương thực, thực phẩm tăng 13,3%; xăng, dầu tăng 12,7%; ô tô con tăng 9,8%; nhiên liệu khác tăng 9,2%; đá quý, kim loại quý tăng 8,8%...).

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 9.800 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức và tăng 15,3% (dịch vụ lưu trú đạt 450 tỷ đồng, chiếm 0,4% và giảm 17,1%; dịch vụ ăn uống đạt 9.400 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% và tăng 17,5%). Doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 898 tỷ đồng, chiếm 0,8% và tăng 3,5%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 25 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% và tăng 5,5%.

Số liệu báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ rõ, bên cạnh tổng mức bán lẻ hàng hoá thì kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tháng 2 của Hà Nội cũng ước tính đạt 1.318 triệu USD, giảm 2,6% so với tháng trước nhưng tăng 53% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước của TP Hà Nội tính đạt 2.671 triệu USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước đạt 1.413 triệu USD, tăng 33,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.258 triệu USD, tăng 27,7%.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đầu tháng 2-2022 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng giảm so với tháng trước nhưng tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội cùng cả nước thực hiện mở cửa trở lại nhiều hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn trong trạng thái bình thường mới đã tạo đà tích cực cho sự phục hồi ngành thương mại, dịch vụ.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 trên địa bàn TP tăng 5% so với thực hiện năm 2021, TP Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 7 giải pháp chủ yếu, gồm: Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Hà Nội cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Trung ương trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.

Ngoài ra, TP Hà Nội tiếp tục nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư phù hợp với hoàn cảnh mới, trong đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực…

“Để tiếp tục thúc đẩy thương mại trong nước, cùng với việc phát động chuỗi sự kiện kích cầu trên địa bàn TP Hà Nộị, Sở Công thương Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức nhiều các hoạt động, sự kiện kích cầu, xúc tiến thương mại... theo đúng quy định và chỉ đạo của TP Hà Nội về việc thực hiện các quy định tạm thời, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị Quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ và Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Theo số liệu của Sở Du lịch Hà Nội, tháng 2-2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 2,23 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, lượng khách quốc tế (do cơ sở lưu trú phục vụ) đến Hà Nội ước tính đạt 15 nghìn lượt khách, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước. “Năm 2022, ngành Du lịch Thủ đô tổ chức nhiều sự kiện ở quy mô quốc gia như: Lễ hội quà tặng du lịch, lễ hội ẩm thực, lễ hội áo dài và các chương trình liên quan đến SEA Games 31... Sở Du lịch hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc phục hồi, phát triển du lịch, toàn ngành cố gắng để ghi điểm cạnh tranh với các nước trong khu vực”, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết.
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động