Thứ bảy 04/05/2024 01:09

Hà Nội tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4206/UBND-KTN về việc tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen.
Thực phẩm biến đổi gen. Ảnh: Natural Society
Thực phẩm biến đổi gen. Ảnh: Natural Society

Theo đó, thực hiện Văn bản số 8026/BNN-CLPT ngày 6/11/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý ghi nhãn thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen, UBND thành phố yêu cầu Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa; Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 9/12/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP; Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/6/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.

Trong đó, đối với thực phẩm có chứa thành phần biến đổi gen phải ghi bằng tiếng Việt cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm và thông tin cảnh báo.

Đối với các sản phẩm có diện tích để ghi nhãn nhỏ hơn 10 cm2 thì trên nhãn bắt buộc phải có tên hàng hóa và cụm từ “biến đổi gen”; những nội dung bắt buộc còn lại không thể hiện trên nhãn thì phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm thuộc phạm vi quản lý được phân công, phân cấp có khả năng sử dụng các nguyên liệu, thành phần từ sinh vật biến đổi gen. Kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về nguồn gốc, đối tượng nguyên liệu vi phạm về ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen theo quy định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-CP ngày 21/6/2010 của Chính phủ về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền và sản phẩm sinh vật biến đổi gen; Nghị định số 118/2020/NĐ-CP NGÀY 02/10/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2010/NĐ-CP; Thông tư liên tịch số 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn ghi nhãn đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn.

Thực phẩm biến đổi gen (GMO) là thuật ngữ để chỉ những thực phẩm (bao gồm cả động vật và thực vật) đã được can thiệp sinh học để biến đổi gen, thông qua kĩ thuật di truyền, các gen tự nhiên của cây trồng, vật nuôi đã bị biến đổi nhằm mục đích nâng cao giá trị dinh dưỡng, năng suất, mùi vị và khả năng chống chịu sâu bệnh.

Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện tại, vẫn chưa có chứng cứ khoa học nào khẳng định sử dụng thực phẩm biến đổi gen có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong khi thực phẩm biến đổi gen vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, việc dán nhãn để người tiêu dùng biết là rất cần thiết. Đây cũng là quy định được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Ngày 14/4/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Theo đó, nhãn hàng hóa thực phẩm biến đổi gen bắt buộc phải thể hiện các nội dung như: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông tin cảnh báo. Đặc biệt trên nhãn phải ghi cụm từ: "Thực phẩm biến đổi gen" hoặc "Biến đổi gen" bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng.

Hà Nội sẽ công khai địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm an toàn thực phẩm Hà Nội sẽ công khai địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm an toàn thực phẩm
Tuyết Nhi
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động