Thứ năm 25/04/2024 10:44

Hà Nội: Tăng cường giải pháp cải thiện chất lượng không khí

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian tới, để tăng cường cải thiện chất lượng không khí, TP Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội.
Theo thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội hiện còn 8/19 quận, huyện, thị xã thường xuyên xảy ra tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ trên đồng ruộng, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội

Đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội), hiện TP Hà Nội xác định được các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nhóm nguyên nhân chủ quan do con người gây ra là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Cùng với đó là hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, chất thải không đúng quy định tại một số địa phương.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như: Bụi mịn, chất ô nhiễm từ bên ngoài di chuyển vào TP Hà Nội; do hiện tượng nghịch nhiệt gây ra…

Bà Đào Thị Anh Điệp, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, với mật độ phương tiện giao thông dày đặc như hiện nay, nhất là tình trạng phương tiện chất lượng kém vẫn đang lưu hành, dẫn đến lượng khí thải gây ô nhiễm không khí có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông cũng gây ô nhiễm không khí đáng kể do hoạt động của máy móc thi công, phương tiện vận chuyển phát sinh chất khí độc hại và tiếng ồn.

“Việc chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để xây dựng các công trình cũng kéo theo nguy cơ ùn tắc giao thông dẫn đến làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm không khí do khói bụi, hơi xăng dầu tại các vị trí ùn tắc”, bà Đào Thị Anh Điệp nhấn mạnh.

Cũng theo số liệu của Sở TN&MT Hà Nội, trong vụ mùa 2021, qua kiểm tra thực tế của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, hiện tượng người dân đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch ở các địa phương là 3,6%. Cá biệt, có địa phương tỷ lệ đốt rơm rạ tăng cao như: Gia Lâm 30,4%, Đông Anh 28,9%, Mê Linh 14,3%, Thanh Oai 4,8%...

Vấn đề của việc đốt rơm rạ khiến lượng khí phát thải ra môi trường cũng tăng cao. Vụ mùa 2021, khối lượng bụi mịn PM2.5 đo được là 86,9 tấn, khí CO2 là 12.326,8 tấn, khí SO2 khoảng 1.885 tấn, khí CO là 973,9 tấn… Nguồn khói bụi này gây ô nhiễm trực tiếp đến khu vực nội thành, ảnh hưởng đến an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài…

Tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả 19 giải pháp tổng thể

Đổi xe máy cũ lấy mới  - cách làm sáng tạo nhằm bảo vệ môi trường Hà Nội.
Đổi xe máy cũ lấy mới - cách làm sáng tạo nhằm bảo vệ môi trường Hà Nội.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, trong thời gian tới, để phát huy kết quả đạt được, từng bước khắc phục hạn chế, tạo bước chuyển mới nâng cao chất lượng môi trường. Trước mắt, Hà Nội tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả 19 giải pháp tổng thể nhằm cải thiện chất lượng không khí đã được UBND TP chỉ ra.

Theo đó, tổ chức lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường. Thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng xe quét, hút bụi; Xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành; Xây dựng kế hoạch vận động đến 31-12-2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong; Triển khai xây dựng nhà máy xử lý bùn, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt, phát điện; Triển khai xây dựng các nhà máy xử lý nước thải TP;

Triển khai xử lý rác thải rắn xây dựng từ phá dỡ các toà nhà bằng công nghệ mới; Xây dựng quy trình quản lý, thắt chặt việc thực hiện che chắn công trình khi phá dỡ, xây dựng; Yêu cầu tất cả các trạm xăng có kế hoạch xây bổ sung khu rửa xe tự động; Thường xuyên kiểm tra, xử lý xe chở vật liệu xây dựng cho các công trình xây dựng; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và Nhân dân Thủ đô về cải thiện chất lượng không khí cho TP; Xây dựng nội dung quy tắc ứng xử nơi công cộng; Triển khai chương trình trồng cây xanh; Triển khai chiến dịch "Cánh đồng không đốt rơm rạ"

Bên cạnh đó, triển khai đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030" được UBND TP phê duyệt tại quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24-8-2017. Phát triển giao thông vận tải theo hướng sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần cải thiện chất lượng không khí. Tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Quản lý thống nhất việc sửa chữa, cải tạo đường sá và các hệ thống công trình ngầm trên địa bàn TP, phối hợp chặt chẽ với Cục Đăng kiểm thực hiện nghiêm công tác đăng kiểm xe cơ giới. Triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5. Từng bước kiểm soát khí thải mô tô, xe máy đang lưu hành theo đề án kiểm soát khí thải mô tô, xe máy của Bộ GTVT. Áp dụng các công nghệ mới trong việc xây dựng để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thiểu ô nhiễm.

Quyết liệt triển khai thêm nhiều giải pháp

Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai thêm nhiều giải pháp.
Để cải thiện chất lượng không khí, Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai thêm nhiều giải pháp.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả 19 giải pháp tổng thể nhằm cải thiện chất lượng không khí đã được UBND TP chỉ ra.Để tăng cường cải thiện chất lượng không khí, thời gian qua, TP Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Tiêu biểu, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND TP về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn TP Hà Nội; và Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18-9-2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định; văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải…

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 1137/UBND-ĐT về việc tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Theo đó, UBND TP giao Sở TN&MT triển khai nhiệm vụ "Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh" theo hướng dẫn của Bộ TN&MT trong giai đoạn 5 năm (2021-2025) hoàn thành trong năm 2022.

Cùng với đó, Sở TN&MT tiến hành kiểm kê, lượng hóa được các nguồn ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp phù hợp về chính sách, công nghệ và hướng dẫn các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP triển khai các giải pháp cải thiện chất lượng không khí, tiếp tục triển khai công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Các đơn vị thuộc Sở TN&MT hoàn thiện và vận hành ổn định, liên tục hệ thống quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp kịp thời thông tin cho người dân trên địa bàn TP.

TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, bảo đảm xóa bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn trong năm 2022. Tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng nơi quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Giao Sở Xây dựng kiểm tra các điểm đổ, tập kết chất thải rắn xây dựng và các công trình đang thi công, đặc biệt là công trình xây dựng có quy mô lớn trên địa bàn các quận. TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép xây dựng đối với các công trình xây dựng vi phạm, để phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường và đổ phế thải xây dựng không đúng nơi quy định.

Giao Sở GTVT triển khai hiệu quả Đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030"... Trên cơ sở thông tin chất lượng không khí của TP, Sở GTVT tham mưu UBND TP phương án phân luồng, hạn chế giao thông trong những ngày không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng...

Đặc biệt, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để xảy ra tình trạng sử dụng bếp than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thời gian tới để nâng cao chất lượng môi trường, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, sáng – xanh – sạch đẹp, TP đáng sống, Hà Nội sẽ tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước về môi trường từ TP xuống các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cho phù hợp với thực tế và theo quy định đặc thù của Luật Thủ đô. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo vệ môi trường Thủ đô đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 lồng ghép với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phù hợp với các quy hoạch chuyên ngành khác.

Theo đó, TP sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Thành ủy, Thông báo số 2628-TB/BCSĐ-TƯ ngày 24-6-2020 về kết luận tại hội nghị giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự đảng Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan; triển khai hiệu quả Chương trình số 05-CTr/TƯ của Thành ủy về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025”.

Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động