Hà Nội quyết tâm duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênToàn cảnh Hội nghị phóng viên báo chí viết về Dân số và Phát triển ngày 18/6. Ảnh: Duy Linh |
Theo báo cáo về tình hình thực hiện công tác Dân số và Phát triển 6 tháng đầu năm 2024 của Chi Cục Dân số Hà Nội, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 6,6%. Công tác truyền thông, vận động và cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được đẩy mạnh đã giúp tăng số người mới áp dụng biện pháp tránh thai lên 416.920 người, đạt 103,2% kế hoạch năm. Điểm sáng là các hoạt động nâng cao chất lượng dân số cũng ghi nhận nhiều kết quả khả quan.
Tỷ lệ sàng lọc trước sinh 4 bệnh phổ biến đạt 79%, tăng 18,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 5 bệnh phổ biến cũng đạt 82%, tăng 5%. Công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được chú trọng với các hoạt động truyền thông, giám sát chặt chẽ tại cơ sở. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 112,4 trẻ trai/100 trẻ gái vẫn cao hơn mong muốn, đây là vấn đề cần tiếp tục giải quyết.
Tại Hội nghị phóng viên báo chí tuyên truyền về công tác Dân số và Phát triển được tổ chức vào ngày 18/6, TS.BS Vũ Duy Hưng - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Hà Nội đã có những chia sẻ về công tác dân số của Thành phố Hà Nội. Theo TS. BS Vũ Duy Hưng, TP Hà Nội là một trong hai tỉnh thành hiếm hoi còn duy trì được mức sinh thay thế trong bối cảnh xu thế giảm sinh đang lan rộng trên cả nước. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ổn định quy mô dân số, TP Hà Nội đã đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt tỷ lệ sinh thay thế 2,1 con đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào năm 2025. Chính vì vậy, công tác truyền thông hiện nay đã chuyển hướng kêu gọi sinh đủ 2 con thay vì chỉ từ 1-2 con như trước đây.
TS.BS Vũ Duy Hưng - Chi Cục trưởng Chi Cục Dân số Hà Nội trao đổi với các phóng viên báo chí. Ảnh: Duy Linh |
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, TP Hà Nội tập trung vào 2 mục tiêu trọng tâm là giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại các huyện ngoại thành và khuyến khích sinh đủ 2 con tại các quận nội thành. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Thành ủy đến UBND Thành phố được thực hiện quyết liệt với hàng loạt chương trình, kế hoạch cụ thể và chỉ tiêu được giao cho từng địa phương.
Về phương thức truyền thông, ngoài kênh truyền thống, TP Hà Nội chủ trọng khai thác các phương tiện hiện đại như truyền thông nhóm, mạng xã hội để lan tỏa thông điệp. Đặc biệt, đội ngũ 11.050 cán bộ dân số đã được tập huấn chuyên môn và trực tiếp triển khai công tác vận động tại cơ sở, tới tận tổ dân phố. Đồng thời, mỗi phụ nữ mang thai đều được quản lý chặt chẽ, khám thai đầy đủ và hướng dẫn sàng lọc trước, sau sinh. Bên cạnh đó, để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, TP Hà Nội đang quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở tiết lộ giới tính trước sinh.
Cũng theo TS.BS Vũ Duy Hưng, TP Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 21 về chuyển trọng tâm công tác dân số từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển ngay từ năm 2017. Ngoài các hoạt động kế hoạch hóa gia đình truyền thống, Chi Cục Dân số cũng đã xây dựng 6 đề án, kế hoạch về sàng lọc trước sinh, sơ sinh, nâng cao thể lực tầm vóc... với nguồn kinh phí lên tới gần 200 tỷ đồng.
Bên cạnh những thuận lợi nêu trên, Chi Cục trưởng Chi Cục Dân số Hà Nội cũng cho biết, TP Hà Nội hiện đang đối mặt với không ít khó khăn trong quá trình triển khai công tác dân số và phát triển. Cụ thể, áp lực gia tăng dân số cùng biến động dân cư lớn hàng năm khiến việc quản lý dân cư, đặc biệt tại các khu dân cư mới trở nên phức tạp. Đồng thời, Thủ đô cũng đang dần bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ người cao tuổi đạt trung bình 14,8% vào cuối năm 2023, thậm chí một số quận nội thành có tỷ lệ già hóa dân số cao.
Tuy nhiên, TP Hà Nội vẫn đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng khi tập trung đông đảo lực lượng lao động trong độ tuổi trẻ. Đây được coi là cơ hội quý báu để phát huy nguồn lực dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, Chi Cục Dân số sẽ tiếp tục có những nghiên cứu, đề xuất, giải pháp tối ưu hóa sử dụng nguồn nhân lực để tạo động lực cho sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Công tác dân số có ý nghĩa quyết định quan trọng đối với sự phát triển bền vững của đất nước |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại