Hà Nội phát triển cụm công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhát triển khu, cụm công nghiệp xanh góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa: P.A |
Tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 về quản lý, phát triển cụm công nghiệp nhằm tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp phục vụ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực nội đô, khu dân cư hướng đến xây dựng cộng đồng doanh nghiệp sản xuất tập trung, xanh, sạch với môi trường.
Cùng đó, vào ngày 28/05/2022 Chính phủ cũng ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP “Quy định về Quản lý khu Kinh tế, khu Công nghiệp”, đề ra “phương hướng xây dựng, phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế; đầu tư hạ tầng, thành lập, hoạt động, chính sách phát triển và quản lý Nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”. Nghị định đã định hướng xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp sinh thái, giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế khí phát thải nhà kính, chú trọng trách nhiệm xã hội và được quản trị theo mô hình Chính phủ số. Đây chính là xu hướng mới trong phát triển các khu công nghiệp ở nước ta hiện nay.
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2023 trên địa bàn TP Hà Nội có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là 1.686 ha, thu hút được khoảng 3.864 hộ, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh với gần 80.000 lao động, nộp ngân sách bình quân khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.
Trong đó, có 25/70 cụm công nghiệp đã cơ bản hoàn thiện các hạng mục hạ tầng thiết yếu; 45/70 cụm công nghiệp còn nhiều hạng mục hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng theo quy định, thậm chí còn nhiều cụm công nghiệp (hình thành từ trước Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp) cơ bản chưa được đầu tư hạ tầng.
Các cụm công nghiệp này được giao cho Ban quản lý dự án đầu tư cấp huyện làm chủ đầu tư; kinh phí hoạt động được bố trí từ ngân sách huyện nên rất hạn chế trong đầu tư xây dựng, bổ sung công trình còn thiếu hoặc sửa chữa, nâng cấp, duy tu hạ tầng cho các cụm công nghiệp. Công tác quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn trong thời gian qua đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động.
Xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp bảo đảm sáng - xanh - sạch - đẹp
Bà Trần Thị Phương Lan- Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Hà Nội đang là một trong những thành phố hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài; đặc biệt là những cụm công nghiệp đã được phê duyệt, hiện đang đưa vào hoạt động và có tiềm năng phát triển gần với trung tâm thủ đô, hệ thống đường giao thông nội bộ được thiết kế đảm bảo cho các phương tiện di chuyển một cách dễ dàng và thuận tiện như cụm công nghiệp Phương Trung.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng Liên Việt- Chủ đầu tư dự án Cụm công nghiệp Phương Trung cho biết: Là một trong những dự án cụm công nghiệp có quy mô vừa dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụm công nghiệ Phương Trung được đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, đồng bộ, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoàn thiện thi công hạ tầng, nghiệm thu về Phòng cháy chữa cháy Giấy phép môi trường sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư vào thuê cần diện tích vừa và nhỏ quanh Hà Nội từ tháng 11/2023.
“Hệ thống lưới điện sản xuất đã đủ điều kiện bắt đầu đi vào phục vụ sản xuất, tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, nguồn nước tại cụm công nghiệp được lấy từ nhà máy nước sạch trên địa bàn; hệ thống cấp nước được dẫn đến tận chân hàng rào các lô đất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nước sạch cho toàn bộ các doanh nghiệp phát triển sản xuất”- ông Nguyễn Đức Bình cho biết.
Cùng với đó, nhà máy xử lý nước thải công suất 310 m3/ngày/đêm tại cụm công nghiệp được xây dựng hiện đại kết nối online với Sở Tài Nguyên và Môi Trường đáp ứng tất cả các yêu cầu xử lý nước thải của các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp.
Đồng thời, chất thải rắn từ các nhà máy trong cụm công nghiệp Phương Trung sẽ được phân loại, thu gom vận chuyển về bãi tập kết của cụm công nghiệp, sau đó vận chuyển đến các cơ sở tái chế để xử lý.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy thì hệ thống cấp nước và các họng cứu hoả cũng đã được bố trí dọc theo các tuyến đường trong khu vực với khoảng cách giữa các họng cứu hỏa tối đa 150m, đạt tiêu chuẩn tối đa quy chuẩn về phòng chống cháy nổ.
Có thể khẳng định, sau khi đi vào hoạt động Cụm công nghiệp Phương Trung sẽ góp phần không nhỏ vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, nâng cao kim ngạch xuất khẩu và sức cạnh tranh của nền kinh tế Thủ đô; đáp ứng nhu cầu về việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động; góp phần thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần tăng thu ngân sách thành phố trong giai đoạn tới.
“Đầu tư vào khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố nói chung và tại cụm công nghiệp Phương Trung nói riêng là đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, với mục tiêu đạt được chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là 10,2%/năm. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, bà Trần Thị Phương Lan khẳng định.
Phát biểu tại Lễ khởi công, động thổ 3 cụm công nghiệp: Cụm công nghiệp Thanh Thùy giai đoạn 2, Cụm công nghiệp làng nghề Phương Trung và Cụm công nghiệp Hồng Dương, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được thành phố xác định là khâu đột phá, trong đó, ưu tiên phát triển hạ tầng sản xuất công nghiệp, góp phần hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp - xây dựng giai đoạn 2021-2025 đạt từ 8,5 - 9,0% theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP. Hà Nội đã đề ra, cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5/5/2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách hành chính để đẩy nhanh tiến độ khởi công và triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp. Với các cụm công nghiệp mới xây dựng, cần làm chuẩn chỉ ngay từ công tác quy hoạch để có hạ tầng hoàn chỉnh. "Các cụm công nghiệp cần được xây dựng đồng bộ từ đường giao thông, vỉa hè, cấp thoát nước, viễn thông, khu sản xuất, khu thương mại dịch vụ, khu bến bãi, tường rào…; chỉ được phục vụ sản xuất, không được ở… để có thể tổ chức sản xuất quy mô lớn, đạt được hiệu quả tốt hơn, không ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần tập trung toàn bộ nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư thứ phát, ưu tiên thu hút công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường… để phát huy tối đa hiệu quả của các dự án… Việc hình thành và phát triển mạng lưới cụm công nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ góp phần đáp ứng mặt bằng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại