Thứ sáu 22/11/2024 04:58

Hà Nội: mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 19/1, Sở Tư pháp TP Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Tư pháp năm 2023, triển khai kế hoạch công tác Tư pháp năm 2024.
Hà Nội: mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật
Ông Ngô Anh Tuấn - Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bạch Dương

Những kết quả nổi bật

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội, công tác Tư pháp năm 2023 đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, một số nhiệm vụ đạt kết quả nổi bật. Trong đó, công tác xây dựng thể chế đảm bảo hiệu quả. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản được triển khai đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, nội dung văn bản phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn của TP. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý Nhà nước trên địa bàn Thủ đô

Việc phối hợp xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), TP đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chuẩn bị hồ sơ dự án Luật công phu, bài bản và đảm bảo tiến độ.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông luôn được ngành Tư pháp thực hiện theo quy định và theo hướng tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức và công dân. Kết quả cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện quan hệ giữa các cơ quan Tư pháp với người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tính công khai minh bạch trong giải quyết công việc của nhân dân.

Việc ủy quyền giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp giúp nâng cao hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, giảm thời gian thực hiện, giảm đi lại cho công dân, giảm đáng kể chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Công tác thông tin, tuyên truyền các chính sách pháp luật với việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều khởi sắc đã góp phần quan trọng tạo nên chuyển biến về tình hình tuân thủ pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân Thủ đô; góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị và trật tự xã hội, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật của TP còn chậm tiến độ theo kế hoạch; việc phối hợp giữa các sở, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do UBND TP giao có lúc còn chưa đảm bảo về tiến độ.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp khó khăn do việc triển khai thử nghiệm hệ thống dịch vụ công trực tuyến mới vẫn chưa ổn định vẫn còn nhiểu bất cập do việc ứng dựng công nghệ thông tin, xây dựng, chia sẻ kết nối dữ liệu của Trung ương và TP còn chưa đồng bộ hoàn toàn, phần mềm dịch vụ công của các cấp có lúc còn chưa ổn định; máy móc, trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số chưa bố trí đồng bộ, kịp thời theo yêu cầu.

Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật hoạt động kiêm nhiệm, đội ngũ báo cáo viên pháp luật tuy đông về số lượng, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu trong công tác phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, hoạt động chưa hiệu quả. Một số mức chi kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở còn thấp, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Địa bàn TP rộng với số lượng tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp: luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản... trên địa bàn phát triển rất nhanh, nhưng chất lượng hoạt động chưa xứng tầm; dấu hiệu vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp.

Sự phối hợp công tác trợ giúp pháp lý của một số tổ chức đoàn thể chưa thực sự nhiệt tình, trách nhiệm, do vậy kết quả của hoạt động trợ giúp pháp lý chưa đạt hiệu quả mong muốn. Công tác số hóa, tạo lập cơ sở dữ liệu hộ tịch mặc dù có thuận lợi, các đơn vị không phải xây dựng phần mềm vì đã có Phần mềm 158 của Bộ Tư pháp, đã có hướng dẫn chi tiết của Bộ Tư pháp tại Công văn số 1437/BTP-CNTT ngày 25/4/2019.

Tuy nhiên, một số cán bộ công chức có trình độ chuyên môn về lĩnh vực hộ tịch nhưng không chuyên về công nghệ thông tin, ngân sách, đấu thầu... nên chưa phối hợp hiệu quả, kịp thời với phòng Kế hoạch - Tài chính để tham mưu cho UBND cấp huyện thực hiện các thủ tục về công nghệ thông tin, ngân sách, đấu thầu để thực hiện số hóa sổ hộ tịch).

Đưa ra nhiều giải pháp

Theo lãnh đạo Sở Tư pháp TP Hà Nội, năm 2024, Hà Nội đã đưa ra các giải pháp chủ yếu để công tác Tư pháp tiếp tục đạt kết quả tốt: tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy. Trong đó, chú trọng bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; chỉ đạo thực hiện nghiêm 2 bộ quy tắc ứng xử, quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị; chỉ đạo quyết liệt thực hiện các kế hoạch công tác; kịp thời chỉ đạo hướng dẫn, giải đáp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc, xử lý những vấn đề phát sinh từ cơ sở;

Chỉ đạo trong việc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã trong công tác tư pháp, pháp chế của TP; triển khai hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức; bố trí đội ngũ công chức, viên chức hợp lý, phù hợp vị trí việc làm để phát huy tốt năng lực công tác của từng cá nhân; xây dựng cơ chế huy động và tận dụng mọi nguồn lực ngoài ngành để tham gia vào công tác Tư pháp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện các quy trình công việc, chuẩn hóa, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn phần; xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực công tác của ngành.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc; thực hiện nghiêm công tác đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hàng tháng; tiếp tục cắt giảm và kết hợp một cách hợp lý số lượng các cuộc họp, hội nghị; phát huy hiệu quả các công cụ quản lý, kiểm tra, thanh tra; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong giải quyết yêu cầu của người dân; đề cao, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Dấu ấn trong công tác Tư pháp Thủ đô năm 2023 Dấu ấn trong công tác Tư pháp Thủ đô năm 2023
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động