Thứ sáu 22/11/2024 16:28

Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, phục hồi đà tăng trưởng những tháng cuối năm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.
Hà Nội tập trung tăng trưởng công nghiệp tháng cuối năm. Ảnh: H. Vy
Hà Nội tập trung tăng trưởng công nghiệp tháng cuối năm. Ảnh: H. Vy

Theo Sở Công Thương Hà Nội, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1% và tăng 4,6%. Sản xuất và phân phối điện giảm 7,2% và tăng 5,7%. Cung cấp nước và xử lý rác, nước thải giảm 1,1% và tăng 2,6%. Ngành khai khoáng giảm 4,5% và giảm 5,8%.

Tính chung 11 tháng năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,4%. Sản xuất và phân phối điện tăng 7%. Cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 5,3%. Công nghiệp khai khoáng giảm 7%.

Trong 11 tháng năm nay, một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng khá so với cùng kỳ năm trước là sản xuất đồ uống, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu, sản xuất thuốc lá, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế.

Một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ là sản xuất máy móc, thiết bị giảm, sản xuất trang phục, sản xuất da và sản phẩm liên quan, sản xuất kim loại giảm, sản xuất thiết bị điện, sản xuất điện tử, máy vi tính...

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, do suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng. Ngoài thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường trong nước cũng giảm sút phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao, nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước tình hình thực tế này, TP Hà Nội đã, đang tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng.

Những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo là cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.

Theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng. Hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm... Thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", xúc tiến đưa sản phẩm vào kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, nhất là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới...

TP Hà Nội tiếp tục yêu cầu các sở, ngành đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với thời hạn, mức vay và lãi suất hợp lý. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm, gia hạn một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền cho phép nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, để thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp, Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến nay, trên địa bàn TP đã có khoảng hơn 900 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. TP Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, đề xuất chính sách, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh
Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt thâm nhập hệ thống bán lẻ quốc tế
Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo việc làm mới cho người lao động
Ánh Tuyết
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động