Thứ hai 29/04/2024 02:08

Hà Nội: chủ động kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả bệnh dại

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội cho biết, từ khi xây dựng mô hình Vùng an toàn dịch bệnh dại động vật ý thức của người dân đối với việc quản lý chó nuôi đã được nâng lên, giảm thiểu tình trạng để chó thả rông, không đeo rọ mõm đi trên đường.
Đội bắt chó thả rông phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: K.Phong
Đội bắt chó thả rông phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: K.Phong

Bệnh dại có xu hướng gia tăng

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người, bệnh nguy hiểm do vi rút dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Điều đáng nói là từ năm 2022 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn (từ 10 - 15 ngày), trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do bệnh dại là người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vắc xin phòng dại, hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Theo nhận định của Bộ Y tế, trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục do tỉ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp, công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 909/SYT-NVY về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội phối hợp với các báo, đài đưa tin về tình hình bệnh dại và biện pháp phòng chống để người dân áp dụng, tích cực tham gia hoạt động phòng chống bệnh dại tại cộng đồng.

Cùng với đó, chia sẻ thông tin kịp thời với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Đồng thời, CDC Hà Nội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hệ thống y tế dự phòng các cấp về kỹ năng giám sát, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại trên người. Tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết cách xử lý khi bị chó, mèo cắn.

Củng cố, rà soát các điểm tiêm chủng trên địa bàn, nâng cao chất lượng tư vấn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời về vắc xin phòng dại và huyết thanh kháng dại cho người dân, đảm bảo việc dễ tiếp cận vắc xin phòng bệnh cho người. Phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người bị chó, mèo cắn cần đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị dự phòng kịp thời.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị CDC Hà Nội cần tăng cường quản lý, hướng dẫn cơ sở y tế, các điểm tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn thực hiện và báo cáo thông tin bệnh dại theo quy định.

Đối với các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng chống bệnh dại. Truyền thông với các hình thức đa dạng, phong phú, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại như: Hạn chế nuôi chó mèo, không được thả rông chó mèo, chó mèo phải được đeo rọ mõm khi ra ngoài, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc. Khi người bị súc vật nghi dại cắn phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn và chỉ định tiêm phòng đầy đủ, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam để điều trị.

Đồng thời, các đơn vị kịp thời chia sẻ thông tin với CDC Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn. Phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại trên người theo quy định.

Xây dựng Vùng an toàn dịch bệnh dại động vật

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, TP Hà Nội có tổng đàn chó mèo thuộc tốp đầu cả nước, dao động trong khoảng từ 420 đến 460 nghìn con và đang có xu hướng tăng lên cả ở nông thôn và thành thị.

Để phòng chống bệnh dại, TP Hà Nội đã thống kê, rà soát tổng đàn chó, mèo tại các quận, huyện để tổ chức tiêm phòng vaccine cũng như tập trung triển khai xây dựng Vùng an toàn dịch bệnh dại động vật tại các quận nội thành của Hà Nội. Qua đó đã góp phần rất lớn để kiểm soát, phòng ngừa hiệu quả bệnh dại lây từ động vật sang người.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội, với sự nỗ lực của Chi cục, cùng sự vào cuộc của chính quyền, đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng được 10 vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật tại 10 quận gồm: Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai và Cầu Giấy.

Quận Tây Hồ là một trong 10 địa phương đã xây dựng Mô hình Vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật và hoạt động rất hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ chia sẻ, đến thời điểm này, mỗi phường trong toàn quận cũng đã thành lập đội bắt chó thả rông thường xuyên tuần tra kiểm soát địa bàn và xử phạt nặng chủ nuôi nhằm nâng cao ý thức đảm bảo an toàn cho cộng đồng, hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh từ động vật sang người cũng như giảm thiểu tình trạng phóng uế bừa bãi của động vật tại các khu đô thị” – bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho hay.

Chia sẻ với PV PLXH, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng cho biết, từ khi xây dựng mô hình Vùng an toàn dịch bệnh dại động vật ý thức của người dân đối với việc quản lý chó nuôi đã được nâng lên, giảm thiểu tình trạng để chó thả rông, không đeo rọ mõm đi trên đường.

“Từ khi xây dựng Vùng an toàn dịch bệnh Dại động vật với sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc xây dựng các đội lưu động kiểm soát chó mèo thả rông đã góp phần nâng cao nhận thức cho người nuôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương rà soát số lượng chó, mèo nuôi trên địa bàn và kết quả tiêm phòng Dại cho đàn chó, mèo. Tổ chức các đợt tiêm phòng bổ sung nhằm bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt trên 80%-90% tổng đàn để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh dại trên đàn chó mèo” – ông Nguyễn Đình Đảng cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ, quận Tây Hồ hiện có tổng đàn chó, mèo ước chừng trên 3.800 con, với hơn 3.400 hộ nuôi tại 8 phường trong toàn quận. Khi trển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại động vật, các phường của quận Tây Hồ cũng đã thống kê rà soát chặt chẽ tổng đàn chó, mèo và yêu cầu các chủ nuôi phải tiêm phòng vaccine đầy đủ. Khi đi ra đường, chủ phải xích chó và đeo rọ mõm.
Bộ Y tế đề nghị triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh dại
Khuyến cáo sau vụ bé gái 5 tuổi bị chó dữ tấn công
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động