Hà Nội: Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính đạt trên 80%
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, ngày 19-5, Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
Về Chỉ số CCHC năm 2019 Hà Nội đứng đầu nhóm B (nhóm có Chỉ số từ 80%-dưới 90%) với chỉ số đạt 84,64 điểm (84,64%), xếp thứ 2/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chỉ số CCHC của TP Hà Nội được duy trì, giữ vững thứ hạng cao.
Kết quả chỉ số CCHC năm 2019 của TP phản ánh sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ TP đến cơ sở và trực tiếp là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, HĐND và UBND TP. Hà Nội tiếp tục được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao về tính năng động, sáng tạo, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, có nhiều sáng kiến, giải pháp, cách làm hay về CCHC.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, DN tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC các cấp. Ảnh V.H |
Các chỉ số thành phần trong kết quả Chỉ số CCHC năm 2019 của TP được đánh giá khá toàn diện, trong đó 6/8 chỉ số thành phần đạt kết quả trên 80%: Công tác chỉ đạo điều hành; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách TTHC; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Cụ thể, chỉ số thành phần “Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính” đạt 94,12%-tăng 13,12% so với năm 2018; chỉ số thành phần “Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản QPPL” đạt 87,82%; chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” đạt 92,86%-tăng 4,86% so với năm 2018.
Chỉ số thành phần “Cải cách tổ chức bộ máy” đạt 84,71%-tăng 1,71% so với năm 2018; chỉ số thành phần “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức” đạt 84,76%; chỉ số thành phần “Cải cách tài chính công” đạt 73,96%; chỉ số thành phần “Hiện đại hóa nền hành chính” đạt 83,35%; chỉ số thành phần “Đánh giá tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế-xã hội của TP” đạt 79,64%-tăng 0,64% so với năm 2018.
Về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) của TP Hà Nội đạt trên 80% (80,09%). Năm 2017 chỉ số này là 76,53%. Năm 2018 là 83%) đạt chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2011-2020 là “Bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt trên 80% vào năm 2020”, tại Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020 của UBND TP Hà Nội.
Có 3/5 Chỉ số thành phần đạt trên 80% (chỉ số thành phần về Tiếp cận dịch vụ hành chính công đạt 83,14%; Chỉ số thành phần về TTHC đạt 82,95%; Chỉ số thành phần về Kết quả giải quyết TTHC đạt 84,22%).
2/5 Chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2018: Chỉ số thành phần về Tiếp cận hành chính tăng từ 82,56% (năm 2018) lên 83,14% (năm 2019); Chỉ số thành phần về Tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tăng từ 70,70% (năm 2018) lên 72,33% (năm 2019).
Về các mong đợi của người dân, tổ chức (5 trong số 13 mong đợi có tỷ lệ người dân lựa chọn nhiều nhất): 61,32% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn mở rộng các hình thức thông tin để người dân biết đến nơi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC; 47,81% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn tiếp tục đơn giản hóa TTHC; 46,13% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.
28,98% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn tăng cường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua đường bưu điện; 26,56% người dân, tổ chức được hỏi mong muốn tăng cường niêm yết công khai, minh bạch quy định TTHC.
Thời gian tới, để tiếp tục duy trì thứ hạng Chỉ số CCHC, nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính của TP và khắc phục những chỉ số thành phần chưa được cải thiện, UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của người dân, tổ chức, DN đối với công tác CCHC, sự phục vụ của các cơ quan hành chính Nhà nước trong việc cung cấp dịch vụ công; thường xuyên theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ được TP giao, đảm bảo hoàn thành chất lượng, đúng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ, TP.
Tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC, loại bỏ các chi phí không chính thức cho người dân, DN. Kịp thời công bố, công khai và cập nhật TTHC trên Cổng dịch vụ công, Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC. Thực hiện tốt việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, DN tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC các cấp, thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn; xử lý nghiêm các trường hợp giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận tiếp dân, trực tiếp giải quyết TTHC với công dân.
Đảm bảo thực hiện có hiệu quả việc giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước hàng năm; cơ chế khoán kinh phí hành chính, tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo tỷ lệ giảm chi trực tiếp ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Triển khai xây dựng hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là DVCTT mức độ 3, mức độ 4, các dịch vụ công thiết yếu cơ bản: y tế, giáo dục, điện, nước, vệ sinh môi trường…
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; tổ chức thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước về tài chính, ngân sách.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại