Thứ bảy 27/04/2024 05:25

Hà Nội cần công khai giá bán và minh bạch lựa chọn sách giáo khoa

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đây là một nội dung trong buổi làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Hà Nội về vấn đề đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022.
Hà Nội cần công khai giá bán và minh bạch lựa chọn sách giáo khoa
Hà Nội cần minh bạch về giá cả cũng như việc lựa chọn SGK để người dân nắm bắt rõ (ảnh minh họa)

Chiều 14/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có bà Nguyễn Thị Mai Hoa- Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Phạm Thị Thanh Mai - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết hiện ngành giáo dục thủ đô gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể như các mạng lưới trường học còn bất cập do tình trạng dân số cơ học tăng nhanh, phân bố không đều; nhiều khu đô thị được tiếp tục xây mới, gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học; hạ tầng công nghệ thông tin chưa được nâng cấp thường xuyên...

Biên chế được giao giảm 10%, do đó không đáp ứng được định mức theo quy định của Bộ GD&ĐT nên khi tăng học sinh, tăng lớp, tăng trường dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Thiếu giáo viên xảy ra khi trường tăng lớp; số thừa hầu hết ở khối trung học phổ thông do học sinh được lựa chọn môn học.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thành phố đã giao chỉ tiêu hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy cho các trường tự chủ một phần chi thường xuyên. Tuy nhiên do thu nhập thấp, áp lực công việc ngày càng cao... nên có khoảng 1.030 giáo viên đã xin thôi việc, chuyển công tác sang các trường ngoài công lập hoặc công việc khác.

Việc tuyển giáo viên đối với các môn tích hợp còn gặp khó khăn do khó xác định số lượng cụ thể của từng bộ môn trong môn học đó. Đối với môn Tin học, Ngoại ngữ (bậc tiểu học),đặc biệt là môn Tin học do chế độ đãi ngộ thấp nên không thu hút được sinh viên sau tốt nghiệp nộp hồ sơ dự tuyển. Do vậy, số lượng giáo viên được tuyển dụng ít, không đủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý và dạy học, đổi mới căn bản, toàn diện theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm nên việc xây dựng kế hoạch của nhà trường, kế hoạch môn học gặp khó khăn nhất định. Phối hợp giữa các trường phổ thông với cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... trong hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh chưa thực sự hiệu quả.

Sau khi nghe báo cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, để chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thành phố dành nguồn vốn mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh chương trình trường chuẩn quốc gia; khảo sát, xây dựng danh mục mua sắm trang thiết bị dạy học cho lớp 3 và lớp 7 năm học 2022-2023; tiến hành khảo sát, xây dựng danh mục trang thiết bị dạy học, dự kiến việc mua sắm đối với khối các trường trực thuộc, trường THPT.

Đối với các trường chưa đảm bảo chất lượng, số lượng phòng học, còn tình trạng sĩ số cao hầu hết được UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới; có phương án phân tuyến hợp lý nhằm giảm áp lực đối với những trường sĩ số quá cao.

Công tác rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên được tích cực chuẩn bị. Sở GD&ĐT đã tổ chức cho 1.300 giáo viên cốt cán, 160 cán bộ quản lý cốt cán tham gia chương trình bồi dưỡng theo các mô đun. Thành phố giao chỉ tiêu Kế hoạch và dự toán kinh phí đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo và ban hành công tác đào tạo bồi dưỡng đại trà cho 100% giáo viên các cấp học.

Đối với khối 10 năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT đã chủ động hướng dẫn, định hướng công tác chuẩn bị thông qua các hội thảo, hội nghị. 100% trường THPT đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó bên cạnh công tác rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, việc tổ chức cho giáo viên nghiên cứu sâu nội dung mới cũng được quan tâm.

Trong buổi làm việc, đại diện TP Hà Nội cũng đã nêu một số kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Cụ thể, đề xuất Quốc hội cần xem xét ban hành chính sách, chế độ đặc thù về phụ cấp đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác tại các cơ quan quản lý ngành GD&ĐT như: Cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành Giáo dục để đảm bảo đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành giáo dục; đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng nhà công vụ cho giáo viên về công tác tại huyện…

Ngoài ra cần có chính sách về bù giá SGK cho học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh cả nước nói chung. Đối với địa bàn khó khăn, người dân thu nhập thấp cần có sự quan tâm hỗ trợ kinh phí mua SGK để học sinh sử dụng chung. Đề nghị xem xét bổ sung quy định về phương pháp xác định, thẩm quyền quyết định mức giá tối đa, mức giá cụ thể đối với mặt hàng này.

Hà Nội cũng đề xuất thực hiện thêm về việc xây thêm các trường học theo quy định; đề xuất Bộ GD-ĐT tăng cường công tác chỉ đạo tập huấn bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hiệu quả, thiết thực; sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các năm tiếp theo nhằm tạo điều kiện cho đơn vị có thời gian nghiên cứu, triển khai hiệu quả nhất. Cần sớm triển khai bộ SGK các lớp 4, 11, 12 để các trường, giáo viên có thời gian nghiên cứu, lựa chọn bộ sách phù hợp...

Hà Nội lựa chọn ngẫu nhiên, xác minh tài sản, thu nhập tại 24 đơn vị, địa phương
Hà Nội: Không có định hướng, gợi ý lựa chọn sách giáo khoa
Hà Nội: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Dương Quyên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động