Hà Nội: Các nhóm giải pháp nâng cao tỉ lệ giải ngân đầu tư công
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênDự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được khởi công từ tháng 10/2016 đến nay đã hoàn thành hơn 93%. Ảnh: Khánh Huy |
Còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Theo UBND TP Hà Nội, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công vẫn là công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư... Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Đối với các dự án cấp TP, có 83 dự án có khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng (gồm 12 dự án vướng mắc do di chuyển mồ mả); 19 dự án vướng mắc tái định cư. Đối với các dự án ngân sách TP hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, có 17 dự án chỉ có ngân sách TP hỗ trợ năm 2022 kéo dài sang năm 2023 và 30 dự án ngân sách TP hỗ trợ năm 2023 có khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng.
Đối với các dự án lĩnh vực di tích còn chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành cần phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên ngành: dự án phải thiết kế 2 bước, phải xin ý kiến thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa-thể thao thẩm định trước khi phê duyệt dự án và trước khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Công tác đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, dự báo còn tiếp tục khó khăn trong các tháng cuối năm 2023 ảnh hưởng đến nguồn thu của cấp huyện và có tác động đối với các dự án đầu tư công cấp huyện và các dự án ngân sách TP hỗ trợ (đối với phần đối ứng của huyện, thị xã).
Được biết từ đầu năm 2023, UBND TP đã tổ chức giao ban xây dựng cơ bản vào các quý, trong đó xác định nút thắt trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 chính là giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án. TP đã và đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện của các dự án, nâng cao kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công.
Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các kế hoạch khắc phục tồn tại hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Do thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2023 và kế hoạch năm 2022 kéo dài còn rất ít, để đạt tiến độ theo yêu cầu, UBND TP đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị phải tập trung hơn nữa, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân của các dự án đầu tư công.
Thực hiện đồng bộ 10 nhóm giải pháp
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 10 nhóm giải pháp để phấn đấu đẩy mạnh hơn nữa kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể, TP đang huy động tối đa các nguồn lực, trọng tâm là đảm bảo nguồn lực ngân sách cho kế hoạch đầu tư công, đáp ứng nhu cầu bố trí kế hoạch vốn còn lại từ nay đến hết năm 2023. TP nhận thức, xác định công tác chuẩn bị đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án.
Nhận diện rõ vấn đề, rõ vướng mắc, rõ cấp có thẩm quyền giải quyết để kịp thời đề xuất giải pháp khắc phục; Thường xuyên có báo cáo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết thủ tục, hồ sơ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Tại kỳ họp HĐND TP đầu tháng 12/2023, các đại biểu đã đề nghị UBND TP cần đánh giá kỹ hơn để rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp trong nhiều năm; trong đó các nhóm các dự án trọng điểm của TP triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu theo cam kết của UBND TP và chỉ đạo, giám sát của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND TP.
Đối với 9 dự án, nhóm dự án được HĐND TP Hà Nội chất vấn, tái chất vấn tại kỳ họp thứ 12 của HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành đúng theo tiến độ đã cam kết.
Các dự án còn lại, UBND TP Hà Nội đang quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan nỗ lực hơn nữa đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án như: giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng đối với Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây TP (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa); lập hồ sơ mời thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Châu Can sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong; lập điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Công viên Đống Đa tỷ lệ 1/500.
Ngoài ra vẫn còn có một số dự án, nội dung công việc chưa đảm bảo tiến độ và yêu cầu, mong muốn của HĐND TP, UBND TP Hà Nội chỉ đạo các Sở, ngành chuyên môn tiếp tục rà soát, phân loại, đánh giá các tồn tại, vướng mắc cần được tháo gỡ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để từ đó chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Đến hết tháng 11/2023, Hà Nội giải ngân vốn đầu tư công được trên 30.133 tỷ đồng, đạt 64,2% kế hoạch Trung ương giao (46.956 tỷ đồng) và 56,7% kế hoạch TP giao (53.105 tỷ đồng). |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại