Dành sự quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhối cảnh phần kết nối cầu Trần Hưng Đạo với hạ tầng giao thông khu vực phía quận Long Biên. Ảnh: N. Y |
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tổng mức đầu tư cho toàn bộ nhu cầu về hạ tầng giao thông của TP Hà Nội là khoảng 1.694.000 tỷ đồng, trong khi đó tại HĐND TP Hà Nội 2 nhiệm kỳ 2016 - 2025 mới dự kiến bố trí 280.000 tỷ đồng.
Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, TP Hà Nội bố trí cho 224 dự án với tổng kinh phí là 127.000 tỷ đồng, tăng 250% về số vốn nhưng số dự án chỉ tăng 5% so với giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dứt điểm, giảm dàn trải ra nhiều dự án.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, trong giai đoạn trước đây, việc triển khai đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công tại một số tuyến đường có tình trạng dàn trải, thiếu đồng bộ và chậm triển khai.
“Ví dụ, đường Vành đai 2,5 có chiều dài 19,4km được chia là 13 đoạn; đường quốc lộ 21B dài 41km được chia làm 13 đoạn. Quốc lộ 1A phía Nam cũng chia là 11 đoạn, cá biệt có những đoạn chỉ đầu tư một nửa mặt cạnh ở trên địa bàn huyện Thường Tín...” – ông Nguyễn Phi Thường nêu ví dụ.
Ông Nguyễn Phi Thường cho biết, thời gian này, TP Hà Nội tập trung làm dứt điểm, không dàn trải các dự án... Quan điểm là cố gắng đầu tư trọn gói dự án. Kết nối giao thông giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen tai nạn, thúc đẩy kinh tế xã hội.
Về nguyên tắc đầu tư, TP Hà Nội đang chỉ đạo theo hướng số lượng dự án phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn và bảo đảm tính khả thi trong thực hiện. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn này phải hoàn thành xong và chuẩn bị điều kiện cho các giai đoạn trung hạn về sau.
TP Hà Nội cũng cố gắng thực hiện đầu tư trọn gói dự án và tập trung đầu tư dự án hoàn thiện kết nối giao thông, giải tỏa ùn tắc, khắc phục các điểm đen, tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về thứ tự ưu tiên, TP dành quan tâm hàng đầu cho các dự án cấp bách, trọng điểm, các đường vành đai hướng tâm, đường sắt đô thị, hoàn thiện dứt điểm các hầm chui, cầu vượt tại các nút giao thông quá tải, có tình trạng ùn tắc.
“TP Hà Nội cũng tập trung đầu tư các cầu qua sông Hồng, các tuyến kết nối với tỉnh ngoài liên kết với phương tiện hướng Bắc, Tây Bắc. Qua đó nhằm giảm tải cho trung tâm Thủ đô và đầu tư các đoạn kết nối vành đai, kết nối các đường cao tốc, các dự án tại 4 huyện chuẩn bị thành lập quận…” – ông Nguyễn Phi Thường thông tin.
Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường, ngay từ đầu năm 2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã phân bổ, giao kế hoạch vốn cho các phòng quản lý dự án để chủ động thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể đối với từng dự án.
Riêng tiến độ giải ngân vốn được xây dựng kế hoạch theo từng tháng để chỉ đạo. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, có mốc tiến độ cụ thể và là cơ sở để đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.
Ông Nguyễn Chí Cường cho biết, cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
“Trong năm 2024, chúng tôi sẽ tập trung triển khai dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng như các dự án trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025” – ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Chí Cường, để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ đầu tư chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành để hoàn thiện các thủ tục đầu tư. Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện với TP về kết quả giải ngân.
TP Hà Nội cũng đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động trong phối hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng… Giao UBND các quận, huyện, thị xã cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm.
Ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm | |
Quyết tâm cao hơn nữa để đưa các dự án trọng điểm về đích đúng hẹn |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại